SHB: Đặt mục tiêu Top 3 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam

Ngày 15-6, tại Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ 28 với các cổ đông đại diện cho 1.334.054.273 cổ phần, chiếm 76% tổng số vốn cổ phần có quyền tham dự đại hội.

Đại hội đã thống nhất thông qua tất cả nội dung quan trọng, trong đó xác định mục tiêu đạt Top 3 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghệ số, phát huy hệ sinh thái khách hàng và chuỗi giá trị mà SHB đang có thế mạnh… 

Thông qua phương án tăng vốn điều lệ và thoái vốn

Đại diện ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB đã báo cáo với các cổ đông về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019. Năm 2019, SHB tiếp nối những thành công với quy mô tổng tài sản đạt 365 nghìn tỉ đồng, tăng 13%; vốn huy động thị trường 1 đạt 289 nghìn tỉ đồng, tăng 18,5%; dư nợ cấp tín dụng đạt 266 nghìn tỉ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỉ đồng, tăng trưởng gần 45% so với năm 2018.

Trong năm 2019, SHB đã trích lập 4.232 tỉ đồng dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC và thực hiện tất toán trước hạn toàn bộ 5.773 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC đã được NHNN gia hạn đến 2024. Nhờ đó, SHB đã đủ điều kiện được chia cổ tức và hoàn thành việc chia cổ tức năm 2017 và 2018 cho cổ đông.

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Tại đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án và kế hoạch của HĐQT SHB về việc tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỉ đồng trong năm 2020, tương đương tăng thêm 1.756 tỉ đồng từ việc phân phối cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Việc tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực tài chính mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, thuê các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tư vấn và phản biện, sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số và trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại theo chuẩn 4.0.

Ngoài ra, các cổ đông đã đồng thuận phương án chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu SHB từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Cổ phiếu SHB được niêm yết và giao dịch tại HNX từ năm 2007, từ đó đến nay, cổ phiếu SHB luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao, thông tin minh bạch và ảnh hưởng tích cực đến diễn biến của thị trường. Việc chuyển sàn được xem là bước đi chiến lược và chủ động nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam đồng thời đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán.

Các cổ đông biểu quyết, thống nhất thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 28 của SHB với tỷ lệ đồng thuận rất cao.

Các cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch thoái vốn của SHB tại Công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài. Việc thoái vốn tại Công ty SHBFC cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ đem lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư vốn đáng kể, đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB trên thị trường tài chính tiền tệ trong và ngoài nước. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ trở thành cầu nối để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế.

Kỳ vọng SHB nằm trong Top 3 ngân hàng bán lẻ hiện đại 

Năm 2020 là năm SHB sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ chiến lược, mô hình kinh doanh tổ chức bộ máy, quản trị rủi ro, hiện đại hóa ngân hàng.

Hội đồng quản trị SHB đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới thống nhất thành lập ba ban dự án chiến lược do Chủ tịch HĐQT trực tiếp chỉ đạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững và khác biệt tầm nhìn dài hạn, chiến lược hiện đại hóa ngân hàng hướng tới ngân hàng số và tái cấu trúc quản trị và quản lý điều hành.

Mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 là trở thành 1 trong 3 ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam, trở thành ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số với các tỷ lệ tài chính tiệm cận các chuẩn mực quốc tế bao gồm Basel III và các tổ chức xếp hạng có uy tín.

Đồng thời, SHB tập trung khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh khác biệt của mình từ quy mô hệ thống tệp khách hàng doanh nghiệp (KHDN) lớn sẵn có và hệ sinh thái của KHDN lớn là các KHDN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân... bằng các sản phẩm theo chuỗi trên nền tảng công nghệ mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm