Bà Halimah Yacob, cựu Chủ tịch Quốc hội Singapore sẽ chính thức được tuyên bố trở thành tổng thống Singapore vào ngày 13-9, sau khi các ứng viên khác không đủ tiêu chuẩn tranh cử.
Theo sắc lệnh bầu cử Thủ tướng Lý Hiển Long ban hành ngày 28-8, Ủy ban Bầu cử Tổng thống đến trước ngày 12-9 phải thông báo về số ứng viên tổng thống hợp lệ theo hiến pháp. Nếu số ứng viên này chỉ là 1 thì người đó đương nhiên sẽ được tuyên bố là tổng thống mới của Singapore trong ngày đề cử 13-9. Trường hợp số ứng viên hợp lệ từ 2 trở lên, bầu cử toàn dân sẽ được tổ chức vào ngày 23-9 theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
Trong số 5 ứng viên chỉ có mỗi bà Halimah hợp lệ, vì kinh nghiệm làm Chủ tịch Quốc hội (2013-2017) đã giúp bà đủ tư cách ứng cử theo luật. Theo đó bà Halimah sẽ là tổng thống thứ 8 của Singapore vào ngày đề cử 13-9, không cần chờ cuộc bỏ phiếu toàn dân ngày 23-9.
Bà Halimah Yacob phát biểu với báo chí sau khi được Ủy ban Bầu cử Tổng thống công nhận đủ tư cách ứng cử ngày 11-9. Ảnh: REUTERS
Cùng với sự chia tách giữa Singapore và Malaysia, người gốc Malay trở thành sắc dân đa số ở Malaysia, trong khi đó người gốc Trung Hoa lại là sắc dân đa số ở Singapore. Người gốc Malay trở thành sắc dân thiểu số và nghèo nhất Singapore, chiếm 13% trong 3,9 triệu dân Singapore. Thành công kinh tế và chính sách giáo dục đã giúp Singapore tăng mức sống của người gốc Malay. Tuy nhiên thống kê năm 2010 cho thấy mức sống của cộng đồng này vẫn kém xa các cộng đồng khác ở Singapore.
Singapore cho phép ứng viên từ cộng đồng người Malay ứng cử vào vị trí tổng thống, nhằm nhấn mạnh tính đa văn hóa của đất nước này.
Người Malay gần nhất giữ vị trí tổng thống Singapore là ông Yusof Ishak, nhiệm kỳ 1965-1970, những năm độc lập đầu tiên của Singapore sau một thời gian hợp nhất với Malaysia. hình ảnh ông được in trên giấy bạc Singapore. Tuy nhiên quyền điều hành chính phủ lúc này thuộc về Thủ tướng Lý Quang Diệu, vì vị trí tổng thống chủ yếu mang tính biểu tượng.
Bà Halimah Yacob, người sẽ trở thành nữ tổng thống của Singapore trong chuyến thăm Capuchia ngày 7-5-2015. Ảnh: REUTERS
Các lãnh đạo Singapore luôn xác định sự hòa hợp giữa hai sắc dân này là nguồn gốc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, sống bên cạnh các láng giềng Hồi giáo như Malaysia và Indonesia, các lãnh đạo Singapore lâu nay luôn có nỗi lo về sự trung thành của người thuộc sắc dân Malay.
Đó là lý do Thủ tướng Lý Quang Diệu năm 1999 từng nói không nên đưa một người gốc Malay sùng đạo Hồi và có người thân bên Malaysia vào hàng ngũ quân đội, vì sẽ rất rủi ro. Không có người Hồi giáo Malay nào trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội Singapore, và chỉ có một số ít người Hồi giáo Malay trong hàng ngũ tư pháp cấp cao.
Tuy nhiên với đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, câu trả lời cho sự gắn kết xã hội nằm ở việc tạo nên văn hóa sử dụng thực tài chứ không phải ở việc ra các chính sách phân biệt. Theo đó những người gốc Malay và thuộc cộng đồng thiểu số Ấn Độ có nhiều cơ hội hơn.
Nói với Reuters, ông Farid Khan, một trong những ứng viên không hợp lệ và là Chủ tịch công ty dịch vụ hàng hải Bourbon Offshore Asia cho biết hiện đã có nhiều người Malay nắm giữa các vị trí chính trị hơn trước. Tuy thế, một báo cáo chính phủ Singapore năm 2013 cho thấy người Malay thỉnh thoảng vẫn thấy mình bị phân biệt đối xử, bị nhiều hạn chế khi tham gia vào các cơ quan công quyền, như quân đội.
Theo các nhà phân tích, việc Singapore có tổng thống người Malay sẽ giúp tăng niềm tin lẫn nhau giữa các cộng đồng người trong nước.