Sinh viên Bangladesh biểu tình: Bạo lực lan rộng nguy hiểm, 133 người chết

(PLO)- Làn sóng biểu tình của sinh viên Bangladesh phản đối quyết định của chính phủ liên quan hạn ngạch tuyển công chức - dành 30% chỉ tiêu việc làm cho con cháu người có công - diễn tiến bạo lực nguy hiểm, 133 người thiệt mạng tính đến lúc này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin AFP ngày 20-7 dẫn số liệu từ cảnh sát và các bệnh viện ở Bangladesh rằng bạo lực liên quan các cuộc biểu tình của sinh viên Bangladesh đã khiến 133 người thiệt mạng.

Bangladesh đối mặt tình trạng bạo lực leo thang trong những ngày gần đây sau khi các nhóm sinh viên biểu tình yêu cầu chính phủ cải cách quy định tuyển dụng công chức.

Ngày qua, cảnh sát chống bạo động đã nổ súng vào những người biểu tình nhưng không thể kiểm soát tình trạng hỗn loạn.

Chính phủ Bangladesh đã ban hành lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội trên khắp đường phố từ nửa đêm 19-7.

“Quân đội đã được triển khai trên toàn quốc để kiểm soát tình hình pháp luật và trật tự” - người phát ngôn lực lượng vũ trang Bangladesh, ông Shahadat Hossain, nói với AFP.

Đài Channel 24 (Bangladesh) đưa tin lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực cho đến 10 giờ sáng 21-7 (giờ địa phương).

Theo AFP, sau lệnh giới nghiêm, đường phố ở thủ đô Dhaka gần như vắng tanh vào lúc rạng sáng, chỉ có quân đội và xe bọc thép tuần tra khắp TP.

Tuy nhiên, hàng ngàn người biểu tình đã quay trở lại vào cuối ngày 20-7 khiến cảnh sát phải nổ súng vào đám đông.

sinh-vien-bangladesh.jpg
Quân đội Bangladesh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 20-7. Ảnh: REUTERS
sinh-vien-bangladesh-1.jpg
Cảnh sát ứng phó với sinh viên Bangladesh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7. Ảnh: REUTERS
Các cuộc biểu tình của sinh viên Bangladesh phản đối quyết định của chính phủ về tuyên công chức đã khiến 133 người thiệt mạng.
Sinh viên Bangladesh biểu tình tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 19-7. Ảnh: REUTERS

Các cuộc biểu tình của sinh viên Bangladesh bắt đầu vào tháng này khi sinh viên yêu cầu chính phủ chấm dứt hệ thống hạn ngạch dành 30% chỉ tiêu việc làm trong nhà nước cho các thành viên gia đình của những cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Những người biểu tình cho rằng chính sách này chỉ có lợi cho các gia đình trung thành với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Những người biểu tình đã yêu cầu bà Hasina từ chức sau khi có người thiệt mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm