Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi cho rằng người đã nhập học và đang học đại học thì không nên gọi nhập ngũ.
Theo ông Thi, gọi NVQS mà không nới độ tuổi là khó, vì tốt nghiệp THPT là 18 tuổi, học đại học bốn năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình vượt tuổi. “Chúng ta chỉ tính cơ học, còn thực tế có trường hợp cố kéo dài thời gian học để vượt tuổi gọi nhập ngũ” - ông Thi nói.
Ông Thi đề xuất việc lựa chọn học đại học trước rồi mới đi NVQS nên để thanh niên tự quyết. Các em học xong mới gọi NVQS là đúng với mục tiêu đáp ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Từ đó, ông đề nghị nới độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 đối với sinh viên đã được hoãn: Thời gian học của sinh viên có thể kéo rất dài, nếu chỉ tính toán cơ học 18-25 tuổi sẽ để lọt những người lắt léo, biến đây thành “bài” để trốn NVQS.
Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ năm 2014. Ảnh: HTD
“Cứ gọi đi là xem nhẹ ý nghĩa của việc học, chỉ coi NVQS là một mà quên đi những việc khác, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, trong khi tất cả đều là tiền của xã hội” - ông Thi lưu ý số lượng sinh viên trúng tuyển đại học chính quy không nhiều.
“Đừng sợ không công bằng, vì đi học trước hay đi NVQS trước là quyền lựa chọn của sinh viên” - ông Đào Trọng Thi nói.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi NVQS vì việc học phải liên tục. Nếu đi NVQS hai năm, khi về học sẽ quên mất kiến thức. “Thời chiến thì khác, còn thời bình thì không nên gọi sinh viên đi nghĩa vụ, chúng ta có thể gọi các em sau khi đã học xong” - ông Ksor Phước góp ý.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, một năm có 7-8 triệu người trong độ tuổi, chỉ 700.000-800.000 người được gọi nhập ngũ, trong khi quân đội chỉ tuyển khoảng 100.000 người. Ngoài ra việc quy định sinh viên có thể tham gia huấn luyện ba tháng thay thế NVQS rất khó khả thi, lại không đảm bảo sự công bằng giữa người có tiền và không có tiền.
Do đó, bộ trưởng đề nghị hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên chính quy, kéo dài đến 27 tuổi để học xong sẽ thực hiện NVQS, nhằm đảm bảo tư tưởng cho sinh viên, tránh tạo ra tiêu cực khi tuyển quân. Quân đội có nhu cầu có thể giữ lại người giỏi để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Trước đề nghị của bộ trưởng, chốt phần thảo luận, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn kết luận: Hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học chính quy, kéo dài độ tuổi đến 27 cho đối tượng này, bỏ quy định “tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng”.
Chiều cùng ngày, cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND. Đa số các đại biểu nhận xét hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chưa cao… Các ý kiến đều cho rằng cần làm rõ giám sát tối cao, làm rõ về đối tượng, phạm vi, hiệu lực của hoạt động giám sát này. Trước hàng loạt vấn đề cần làm rõ của đại biểu Trương Thị Mai, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - đơn vị trình dự thảo than: “Chị nêu quá nhiều câu hỏi. Chị hỏi tôi, tôi biết hỏi ai”. Theo ông Lý, QH không phải cơ quan thực hiện, giải quyết mà chỉ có thể giám sát, đề nghị. So sánh về hiệu quả của công tác giám sát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Giám sát của ta cái gì cũng giám sát, khắp cả nước. Một báo cáo kiến nghị giám sát chưa chắc hiệu quả bằng một bài báo. Làm tràng giang đại hải, chưa chắc đã tốt. Muốn đổi mới hoạt động của QH cho thực chất hơn, hình thức hay không là ở chỗ này… Giám sát theo định nghĩa là xem xét, đánh giá, kiến nghị. Giờ tôi đề nghị ông làm, ông không làm thì sao. Vì vậy phải quy định cụ thể có ngày, có giờ anh không làm thì tôi xử thế nào. Báo cáo ông A, ông B thì không giải quyết được gì”. |