Đó là chia sẻ thẳng thắn từ TS Trần Văn Thông, Trưởng khoa quản trị du lịch – khách sạn (Trường ĐH Kinh tế tài chính) tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) và Trường Đại học Văn Hiến phối hợp tổ chức ngày 2-8.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng sinh viên ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Đáng nói hơn, dù được đào tạo chính quy tại các trường đại học và cao đẳng, nhưng khi được tuyển dụng làm việc, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, đó là chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển.
Phân tích thực trạng trong đào tạo hiện nay, TS Trần Văn Thông, Trưởng khoa quản trị du lịch – khách sạn (Trường ĐH Kinh tế tài chính), cho rằng việc phối hợp đào tạo nhân lực du lịch giữa trường ĐH và doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Các trường nai lưng đào tạo lí thuyết cho các em, thực hành cũng chỉ dừng ở mô phỏng còn thực hành thực tế rất khó khăn.
“Doanh nghiệp về du lịch tiếp nhận sinh viên còn hạn chế, chưa tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nhiều thì sao các em phát triển kỹ năng. Ở các nước, sinh viên kiến tập ngay từ năm nhất, còn đây đến năm tư các em mới đi thực tập, mà cũng chỉ xếp hang đứng nhìn thì sao làm việc được” – TS Thông thẳng thắn.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội thảo
Nhiều ý kiến thảo luận cũng cho rằng, việc đào tạo nhân lực du lịch hiện nay còn đang bỏ hổng hai mảng rất quan trọng là phát triển nhân lực du lịch bản địa. Họ vốn là người am hiểu địa phương và sẽ có trách nhiệm nhất nhưng chưa phát huy được trong khi kỹ năng họ rất giỏi. Dẫn đến hệ quả là những địa điểm du lịch đẹp và có giá trị của địa phương nhiều nơi không phát huy hết tiềm năng, rơi vào nguy cơ ô nhiễm, lãng phí.....
Thứ hai là việc giáo dục luật du lịch, ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và đạo đức du lịch...cho sinh viên còn hạn chế. Và nên thấm nhuần cho các em những điều này ngay khi bước vào giảng đường học ĐH.
Trong phiên thảo luận theo tiểu ban, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu vấn đề yếu nhất hiện nay của nhân lực du lịch là chưa đáp ứng dòng khách quốc tế. Cụ thể là trình độ ngoại ngữ kém.
“Lễ tân nhà hàng, khách sạn 3 sao gặp khách nước ngoài không nói được quá 20 câu, còn lữ hành cho khách quốc tế chỉ học thuộc tour rồi nhả lại, không thuyết minh hay tương tác bằng giao tiếp được. Chưa kể, chưa có kỹ năng nắm văn hóa giao tiếp quốc tế. Rõ ràng, chúng ta tung hô nhiều về con số đạt được nhưng chất lượng thì chưa được đề cập nhiều” – vị này nói.
Do đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp, cần có sự liên kết đồng bộ và trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo ra nhân lực du lịch có chất lượng, đáp ứng được thực tế. Cần thiết kế chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng liên quan cho người học. Đồng thời, ban hành quy định về chất lượng giảng viên trực tiếp đào tạo nhân lực du lịch phù hợp với khu vực và thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, cả nước hiện có hơn 190 cơ sở đào tạo về du lịch, ngành nghề đào tạo khá phong phú với khoảng 36 ngành, quy mô đào tạo tăng mạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Thứ trưởng mong mỏi từ hội nghị sẽ có những phân tích và đề xuất cụ thể trong các vấn đề trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao, Bộ cũng sẽ đặc biệt quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống mã ngành đào tạo du lịch, hệ thống chuẩn đầu ra, kỹ năng nghề quốc gia cũng đang được xây dựng hoàn thiện để áp dụng cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.