So sánh con mình với con nhà người ta là một lỗi sai

Hội thảo do Viện Di truyền y học và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp, TP.HCM tổ chức thu hút 200 phụ huynh tham dự. 

ThS Tô Nhi A chia sẻ trong giáo dục có một phương pháp gọi là nêu gương. Đây là cách giáo dục trẻ đã được thừa nhận về mặt khoa học giáo dục. Thế nhưng điều quan trọng là bạn phải nêu gương đúng cách. So sánh là một trong những biểu hiện của nêu gương nhưng so sánh con mình với con nhà người ta là một lỗi sai.

ThS Tô Nhi A, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: BTC cung cấp

“Có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi về câu chuyện con nhà người ta. Cách đây khá lâu, một phụ huynh có con học lớp 5 tới tìm tôi để được tư vấn. Phụ huynh này nói rằng vì mong muốn con tốt hơn nên bà hay so sánh bé với con nhà người ta. Trước giờ, con bé chỉ im lặng thế nhưng cách đây hai tuần, khi bị so sánh, bé nói: “Mẹ có là mẹ nhà người ta đâu mà đòi con nhà người ta. Câu nói của con khiến vị phụ huynh kia lo lắng, hoang mang” - bà Tô Nhi A kể lại.

Câu chuyện mà ThS Tô Nhi A vừa kề khiến cả khán phòng ồ lên. Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ giật mình vì bản thân cũng đã từng so sánh con như thế.

Bà Tô Nhi A tiếp lời: “Nghe xong tôi nói với người phụ nữ đó, phản ứng trên cho thấy con bé đang bị tổn thương. Tôi tin tất cả phụ huynh khi nói như thế chỉ mong con mình sẽ tốt hơn nhưng đó là cách làm sai”.

“Tại sao chúng ta nói về câu chuyện nêu gương nhưng lại không đồng tình với việc so sánh con nhà người ta. Bởi vì đó là một sự so sánh khập khiễng. Cái không thuyết phục đã được thể hiện ở câu chuyện mà tôi vừa kể. Bởi một đứa trẻ sẽ được định hình dựa trên phong cách nuôi dạy của gia đình. Hơn nữa, con nhà người ta được tạo nên từ gen của nhà người ta. Và cái gen đó là do di truyền. Vì thế, việc so sánh sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy bất công” - bà Tô Nhi A khẳng định.

Nhiều phụ huynh thích thú khi lắng nghe những chia sẻ của ThS Tô Nhi A trong cách nuôi dạy con cái. Ảnh: BTC cung cấp

Bà Tô Nhi A chia sẻ thêm, đứa trẻ bị so sánh sẽ thiếu đi sự tự tin đối với bản thân bởi vì nó hiểu mình đã không được ba mẹ thừa nhận. Do đó đứa trẻ sẽ bỏ qua thế mạnh của mình dẫn đến chất lượng học tập cũng như các hoạt động cá nhân của trẻ sẽ bị suy giảm. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ có một sự kết nối rất tiêu cực. Thay vì nhận ra vấn đề của mình, đứa trẻ lại ghét đứa bạn mà ba mẹ so sánh. Chính vì thế, kết nối xã hội của đứa trẻ cũng bị lũng đoạn. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ không chấp nhận ba mẹ vì nó cảm thấy không được thông hiểu.

Từ đó, thay vì trẻ chia sẻ, trẻ sẽ giữ những vấn đề đó lại cho mình theo nhiều kiểu hành vi rất bất lợi. Như trẻ có thể có xu hướng chống đối, trẻ sẽ không ngoan, vi phạm nội quy, kết nối kém. Nếu trẻ không thể hiện hành vi lên những đối tượng khác mà lại ứng xử với chính mình thì sẽ dẫn đến trầm cảm, stress học đường, không có động lực học tập.

"Và khi đứa trẻ chối từ những hoạt động cá nhân thì tất nhiên chất lượng cuộc sống của nó khó có thể có thành công. Đây là những hậu quả mà chúng ta có thể thấy và đó là lý do tại sao chúng ta thấy có tự vẫn ở trẻ vị thành niên, tại sao có bạo lực học đường ở vị thành niên, tại sao có  chuyện cha mẹ không thể hợp tác, nói chuyện với con cái. Dĩ nhiên nó đến từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó nó có nguyên nhân đến từ việc so sánh khập khiễng” - bà Tô Nhi A nói.

Thạc sĩ tâm lý cũng cho rằng phụ huynh có thể nêu gương bằng cách nói với con mình, mẹ biết một bé có hoàn cảnh khó khăn nhưng bé đó đã giải quyết khó khăn như sau. Nghĩa là, chúng ta cho đứa trẻ thấy được cách người khác giải quyết chướng ngại vật của cuộc sống chứ không so sánh đơn thuần.

Con muốn bỏ nhà đi bụi!
(PL)- Nhiều đứa trẻ không cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong ngôi nhà của chính mình. Vì vậy, chúng muốn bỏ nhà đi bụi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới