N. là học sinh một trường THCS ở quận 3 (TP.HCM). Một hôm N. nghỉ học không lý do. Cô chủ nhiệm gọi điện thoại thì N. nói: “Con bỏ nhà đi bụi rồi, cô ơi!”. Cha mẹ của N. cũng hoảng hốt gọi điện thoại tìm khắp nơi. N. ra quán Internet chơi ở đó, ăn ở đó và trả lời cha mẹ: “Đừng tìm con chi cho mất công. Con là đồ bỏ mà!”. Đến ngày thứ hai, N. đến nhà cô chủ nhiệm xin mượn tiền để ăn cơm bụi và… đi kiếm việc làm.
N. tâm sự cha mẹ em cực kỳ khắc nghiệt. Một lần cha N. gặp con cùng nhóm bạn trốn học thêm đi uống cà phê trong quán gần trường, trong nhóm em có một bạn hút thuốc, ông đã bước tới bạt tai N. rồi bắt con đi về. Kể từ đó, mỗi khi N. đi học về trễ, chẳng cần nghe con giải thích, cha mẹ đã la mắng N. Một hôm xe đạp bị hư, trong túi không có tiền, N. đã phải dắt bộ một quãng đường rất xa để về nhà. Nhưng vừa về tới nhà, mẹ của N. đã mắng: “Chơi bời với đám hư hỏng rồi cũng không ra gì”. Sáng hôm sau, N. mặc đồ đi học nhưng không tới trường. N. quyết bỏ nhà đi.
Gặp cô chủ nhiệm sau chuyến đi bụi hết tiền, N. được cô giáo khuyên trở về nhà. Cha mẹ của N. sau buổi trò chuyện với cô giáo đã hứa thay đổi cách cư xử với con. N. đã quay trở lại trường học. Nhưng với cậu học sinh cấp 2, những tổn thương vẫn còn đó và vẫn rất ghê gớm. N. chia sẻ: “Ba mẹ con giờ hết la con rồi nhưng vẫn không tin tưởng con. Ngày nào ba con cũng chở con đi, đón con về, sợ con đi chơi với bạn. Riết rồi bạn bè không còn đứa nào dám chơi với con. Con vẫn muốn bỏ nhà đi”.
Và N. không phải là đứa trẻ duy nhất ở độ tuổi thiếu niên muốn bỏ nhà đi.
Xúc phạm cá tính của con
Mẹ của NTH đưa con gái 16 tuổi đến một chuyên gia tư vấn, bà Lê Thị Thanh Nhã, để giúp cô lấy lại thăng bằng. Mẹ cô cho biết cô đã vài lần bỏ sang nhà bạn ở để cả nhà rối loạn đi tìm. Ngày đầu tiên, cô khoanh tay ngồi im, bất hợp tác với chuyên gia tư vấn: “Con có nói với cô cũng vậy. Người cần thay đổi không phải là con, mà là ba mẹ con”.
Bà Lê Thị Thanh Nhã trò chuyện, tìm hiểu từ người mẹ thì biết được K. rất thông minh, học giỏi, cha mẹ không phải nhắc nhở gì. Tuy nhiên, điều khiến cha cô luôn phiền lòng là con gái quá nam tính. Ông ép buộc K. phải học nữ công gia chánh, phải thay đổi cách ăn mặc. Lúc con nhỏ, K. sợ bị đòn nên nghe lời. Nhưng dần dần cô chống lại. Ngày K. trở về nhà với một hình xăm giả trên cánh tay, K. đã ăn một trận đòn. Ông dùng những từ khá nặng nề đối với con gái: “Làm gái nhà lành không muốn, lại muốn làm dân giang hồ hư hỏng”.
Bà Lê Thị Thanh Nhã khuyên K. mở lòng để hiểu và thông cảm cho cha hơn. Bà cũng trò chuyện, tư vấn mẹ K. quan tâm đến con, cha mẹ phải tôn trọng cá tính và nhìn nhận những điểm mạnh của con thay vì áp đặt con.
Nỗi khổ mang tên “con nhà người ta”
Một bà mẹ ở Bình Dương đưa con trai tên T., học lớp 9 đến phòng tư vấn tâm lý gia đình của chuyên gia Lê Khanh (quận Bình Thạnh) sau chuyến đi bụi hai ngày của cậu. Mẹ T. cho biết vợ chồng bà làm ăn khá giả và cho con trai không thiếu thứ gì. Bà chỉ có yêu cầu duy nhất là “con ráng học cho bằng con người ta”.
Trò chuyện riêng với chuyên gia, T. cho biết mình rất mệt mỏi vì là con nhà giàu. Học lực của T. chỉ ở mức trung bình nhưng cha mẹ luôn đòi hỏi con phải học giỏi như con nhà người ta. T. thường nghe cha mẹ nói: “Coi con người ta nhà nghèo mà học giỏi. Ba mẹ không để con thiếu thứ gì thì ráng mà học cho bằng con người ta”. Áp lực đó khiến T. sợ học và sợ về nhà. Một hôm, T. nói với cha mẹ rằng em không muốn học lên ĐH, T. đã bị cha giận dữ la mắng cả buổi tối. T. bỏ sang nhà bạn rồi ra quán cày game, ngủ luôn ở đó mấy ngày.
Chuyên gia Lê Khanh cho rằng bên cạnh áp lực mang tên “con nhà người ta”, nhiều cha mẹ còn để con trẻ cô đơn trong chính gia đình của mình. Chính vì vậy, những đứa trẻ đã bỏ nhà đi bụi để cha mẹ phải chú ý tới con cái.
Hãy làm bạn với con Những đứa trẻ bỏ nhà đi do cảm thấy ở nhà không được thấu hiểu, không được tôn trọng, hết chịu nổi những căng thẳng dồn nén do không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ. Trong khi đó, ở ngoài kia có rất nhiều thứ thú vị đối với các con, nhất là những cuộc gặp mặt với bạn bè. Vì vậy, nhiều trẻ còn rủ nhau bỏ nhà đi bụi tập thể cho vui. Có nhiều group đã được lập ra để chia sẻ với nhau, ví dụ như group Hội ghét so sánh con nhà người ta, kiểu như vậy . Nhiều cha mẹ đã dùng tới đòn roi hoặc gây áp lực để dạy dỗ những đứa trẻ ngang bướng. Trẻ có thể thay đổi theo ý cha mẹ vì sợ đòn nhưng khi đứa trẻ đó có đủ nội lực để nổi loạn, nó sẽ nổi loạn dữ dội hoặc bỏ nhà đi. Để con trẻ không có ý định bỏ nhà đi, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ năng từ sớm, kể từ khi quyết định có con. Bởi một đứa trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng để khẳng định bản thân, cuộc khủng hoảng nổi loạn sớm nhất là ở lứa tuổi lên ba. Nếu cha mẹ làm cho con hiểu rằng nhà mình là an toàn nhất, yêu con nhất, trẻ sẽ không có ý định bỏ nhà đi. ThS tâm lý TÔ NHI A, Nhiều cha mẹ khi đưa con đến gặp chuyên gia với suy nghĩ chữa một tổn thương tâm lý cũng đơn giản như chữa một vết thương trên cơ thể. Nhưng cách duy nhất có thể giúp bọn trẻ là cha mẹ phải học cách kết nối được với con, học cách hiểu và tôn trọng con, học cách giúp con phát triển được giá trị của bản thân. Khi đứa trẻ cảm thấy bất hạnh và vô giá trị trong ngôi nhà của nó, rất có thể nó sẽ bỏ nhà đi. Chuyên gia LÊ KHANH |