Cách đây không lâu, chị NHL có con học lớp 6 tại một trường THCS ở quận 8 không khỏi lo lắng khi đứa con trai bỏ đi hai ngày cuối tuần mà không biết đi đâu. Sau đó nhờ con có liên lạc với một người anh họ để xin tiền tiêu nên chị mới tìm thấy con khi con đang thuê ở trọ gần cầu Nguyễn Tri Phương và đưa về nhà.
Đụng chuyện là bỏ nhà đi
Chị NHL kể con chị thường ra quán net chơi game, ba mẹ nhắc hoài nhưng vẫn chưa từ bỏ. Về nhà, mỗi khi ba mẹ lơ là là cậu mở máy tính chơi game một cách say mê. Chồng chị vốn nóng tính, có lần anh đi công tác và bất ngờ về giữa buổi. Vừa bước vào nhà, thấy con đang mải mê chơi game, anh liền ném chiếc cặp vào máy tính và tát con một cái. Anh còn nói thẳng vào mặt con rằng: “Mày không phải con tao, mày cút ra khỏi nhà này ngay”. Thế là con chị bỏ đi, cả nhà một phen hốt hoảng.
“Con mình bỏ đi nhiều lần rồi nhưng thường thì về nhà ngay trong ngày nên không lo, đằng này đi suốt mấy ngày khiến cả nhà phát hoảng lên. Chồng thì nóng tính, con lại lỳ, đụng chuyện là bỏ đi nên mình không biết làm sao. Chỉ còn cách ngày nào cũng đưa đón nó tận trường, hạn chế xài máy tính ở nhà chứ biết sao giờ” - chị L. nói trong lo lắng.
Trước đó, vì làm hư xe đạp, sợ về nhà bị cha mẹ đánh nên hai em TrV (10 tuổi) và TĐCh (12 tuổi), cùng ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai đã bán xe đạp cho một người buôn đồng nát giá 50.000 đồng. Sau đó hai em cầm số tiền này bỏ đi lang thang trong năm ngày. Ban ngày các em nhặt ve chai bán lấy tiền mua nước và thức ăn. Ban đêm các em chui vào ống cống ven đường nằm ngủ. Đến năm ngày sau, nhờ một người dân trên đường báo tin, gia đình mới tìm được hai em này tại một bãi cỏ gần chân cầu Sài Gòn, quận 2, TP.HCM.
Rất may đây là những trường hợp trẻ bỏ nhà đi bụi và được phát hiện sớm. Nếu để các em sống lang thang bên ngoài lâu ngày thì sẽ có rất nhiều nguy cơ rình rập.
Một đứa trẻ trốn nhà đi bụi rồi ngủ mê mệt trên băng ghế chờ xe buýt ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: HL
Cần có “mật mã” gia đình
Lý giải về những trường hợp trẻ em bỏ nhà đi bụi, ThS Nguyễn Thành Nhân (cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương) cho rằng những trẻ bỏ nhà ra đi là cách phản kháng với cha mẹ để cha mẹ quan tâm hơn. “Ở một góc độ nào đó, những đứa trẻ hay bỏ nhà ra đi chứng tỏ tình cảm gắn kết gia đình rất kém, cha mẹ thiếu quan tâm hoặc quá chiều con. Gia đình chưa tạo đủ lực để chống lại các vấn đề trong xã hội” - ThS Nhân phân tích.
Khi bỏ nhà ra đi, các em có thể bị trả giá rất lớn và để lại những hậu quả khó lường như bị lạm dụng tình dục, bị lao động sớm, buôn bán ma túy… Đơn giản vì khi các em bỏ đi thì rất cần tiền và khi có một người lạ cho tiền, các em dễ bị sa ngã ngay.
Theo ThS Nhân, để đối phó với những tình huống này, bản thân phụ huynh phải “chữa bệnh” cho chính mình đã, phải xem lại cách quan tâm con cái và tình cảm gắn kết trong gia đình. Cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm và nói chuyện với nhau để tạo thành “mật mã” trong gia đình. Cứ mỗi ngày như thế, qua cách nói chuyện, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu lạ để biết con mình có đang gặp vấn đề gì hay không để can thiệp kịp thời.
Dự luật yêu cầu cha mẹ phải lắng nghe con trẻ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi vừa được Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Một trong những điểm mới của dự luật lần này được hầu hết các đại biểu tán đồng là đã dành hẳn một chương (chương V) để quy định về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, trong đó có quyền tham gia của trẻ em trong gia đình (Điều 75). Cụ thể: Cha, mẹ, các thành viên gia đình phải tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận các nguồn thông tin phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề về gia đình liên quan đến trẻ em, trẻ em quan tâm; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em… Từ tháng 12-2014 đến nay, thành phố thực hiện việc tăng cường quản lý người sinh sống nơi công cộng bao gồm trẻ em. Khi phát hiện những trẻ em bỏ nhà đi bụi, sống lang thang, quận, huyện có trách nhiệm tập trung đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Đối với trẻ bỏ nhà đi bụi, sống lang thang rồi bị tập trung, trung tâm sẽ giải quyết cho về lại với gia đình nếu biết trẻ có nơi cư trú nhất định. Nếu xác minh không có nơi cư trú nhất định hoặc hết thời hạn xác minh mà không có trả lời của chính quyền địa phương nơi xác minh thì chúng tôi đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ông LÊ CHU GIANG, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, HOÀNG LAN ghi |