Những đứa trẻ lay lất ngoài đường

Mặc kệ tiếng xe cộ ồn ào qua lại, ở băng ghế chờ xe buýt của Công viên 23-9 (TP.HCM), em TQT vẫn say giấc. Bộ đồ và đôi chân cáu bẩn chứng tỏ em đã không về nhà nhiều ngày. Chúng tôi đánh thức T. dậy và mua cho em hộp xôi, em ăn ngấu nghiến. Nhà của T. ở đường Bùi Viện gần đây thôi nhưng em không thích về.

Ngủ công viên, hít keo chó

Hỏi lý do, T. nói: “Con quen ở ngoài đường rồi. Con đi xin tiền người ta để ăn, có mấy cô Việt kiều hay cho con tiền lắm. Con tắm ở nhà vệ sinh công cộng. Đến khuya thì con vào quán cà phê quen ở gần Công viên Lê Thị Riêng ngủ, đến 4 giờ sáng người ta dọn bán nên con ra Công viên 23-9 ngủ tiếp”.

Cha mẹ thôi nhau khi T. học lớp 1, T. ở với mẹ và anh trai. “Khi con được tám tuổi thì anh con theo bạn nghiện. Anh hai bị bắt đi cai nghiện rồi. Trước đó anh còn bỏ heroin vào tủ quần áo của con. Sợ bị công an bắt, con trốn đi bụi, đụng chỗ nào đi chỗ đó”. T. khoe hít keo chó (loại keo cho cảm giác phê ảo nhưng gây hại hệ thần kinh) được bốn tháng nay, cảm giác rất là phê mà không hay biết gì tác hại của nó. Chúng tôi gửi tạm T. vào Mái ấm Tre Xanh (quận 1) để tắm rửa, ăn uống và báo cho mẹ em đến đón về.

Thế nhưng khi mẹ lên tới nơi thì T. lại bỏ mái ấm đi bụi đâu không rõ. Mẹ em - chị KL giọng buồn buồn kể, đã hai lần bị đưa vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM nhưng lần nào T. cũng năn nỉ xin về. Chị đi phụ quán phở cho người ta từ 3 giờ sáng đến 6 giờ chiều nên không có thời gian gần gũi con. Có lần chị gửi T. qua ở với cha nhưng con về kể thấy mẹ kế đánh con ruột dữ quá nên sợ trốn về. Lên lớp 2, con không muốn học nữa chị cũng không ép. “Có lẽ do T. buồn chuyện gia đình nên thích đi bụi chứ tôi vẫn đối xử tốt, không đánh mắng nó bao giờ” - chị nói.

T. ngủ mê mệt trên băng ghế chờ xe buýt. Ảnh: H.LAN

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, xác nhận gia đình T. có hộ khẩu thường trú tại phường. Anh của T. đã được đưa vào Trung tâm Thanh thiếu niên 2 để cai nghiện ma túy. Còn T. lang thang không rõ nơi cư trú. Địa bàn Công viên 23-9 được UBND phường tổ chức tập trung tuần tra ngày ba lần nên nếu phát hiện T. có mặt tại công viên sẽ đưa em về phường tìm nơi tốt nhất cho em ở.

Tuổi thơ bất hạnh

Em ĐHL hiện ở Mái ấm Tre Xanh, quận 1. Cha bỏ đi khi L. còn nhỏ, mẹ sa vào cờ bạc. Đến tuổi đi học, L. phải ra chợ phụ mẹ bán rau câu và đến tối thì đi bán vé số. Mỗi lần làm mất vé số, mẹ thường dùng cây đánh vào đầu em. Chán nản, L. theo đám bụi đời đi đòi nợ ở chợ Hóc Môn hơn một năm. “Mấy người không trả nợ bị cắt tai, máu chảy quá trời làm con muốn ói” - L. kể lại những lần cùng đi đòi nợ.

Mẹ L. tìm em về nhưng thấy khó quản con quá nên gửi cho hai vợ chồng thuê trẻ em đi lao động ở quận Gò Vấp. “Họ bắt con đi bán singum từ 4 giờ chiều hôm nay đến 5 giờ sáng hôm sau rồi cho ngủ đến 4 giờ chiều, không ngủ được họ cũng đánh, họ đánh bằng mỏ lết, tai con còn vết sẹo đây này” - L. chỉ vết sẹo lồi lên cục thịt ở tai. Trong một lần bán singum ở gần sân bay, thấy L. bị đánh, một nhóm sinh viên hỏi thăm và giải cứu được L. Đôi vợ chồng bị bắt, bảy đứa trẻ khác cũng được giải cứu. Riêng L. được đưa về Mái ấm Tre Xanh.

Mẹ tìm tới mái ấm đưa L. về bắt đi bán vé số tiếp. L. chán nản bỏ nhà đi bụi lần thứ hai. “Tối con vào quán phở xin tắm, giặt đồ rồi phơi lên để dành mặc. Người ta cho con cái ghế bố với cái mền để con đắp ngủ ngoài đường. Con xin tiền người ta rồi lãnh vé số bán lại, tiền dư con bắt xe để lên lại mái ấm” - L. kể về việc bỏ nhà để tìm đường lên lại mái ấm.

Hỏi ở ngoài đường có sợ không, L. trả lời tỉnh bơ: “Mình không làm gì người ta thì người ta cũng không làm gì mình, nếu nó quá đáng quá thì lấy dao đâm nó thôi”. L. vẫn đang ấp ủ ước mơ khi lớn lên sẽ kiếm việc rồi về phụ giúp các anh chị ở Mái ấm Tre Xanh bán quán cơm nuôi lại những em cơ nhỡ khác.

Trẻ em không được tự ý bỏ nhà đi

Trẻ em không được tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang.

(Theo Điều 22 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em)

Cha mẹ không được ép trẻ lang thang kiếm sống

- Người nào dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

(Theo Nghị định 144/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em)

____________________________________

Đa phần trẻ em đường phố đều có những vấn đề bất ổn về mặt tâm lý. Mỗi em đều có những hoàn cảnh riêng như cha mẹ ly dị, đi tù, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, bắt các em đi làm kiếm tiền nên gia đình không còn là gia đình nữa. Vì gia đình là chỗ dựa duy nhất cũng đã mất rồi nên các em bất mãn, lăn lóc sống ở ngoài đời, sống bất cần, rất dễ sa đà vào con đường phạm tội. Sống lâu ngày ngoài đường các em đều có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục, lợi dụng làm việc xấu… Dù bận bịu cỡ nào, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con mình nhiều hơn.

ĐỖ THỊ BẠCH PHÁT, Chủ nhiệm Mái ấm Tre Xanh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm