TMV (Tân Châu, Tây Ninh) rất dễ rơi nước mắt khi kể về mẹ vì bà đã phải chịu đau khổ quá nhiều. Cô thường né tránh không nhắc tới khi ai hỏi về cha. Trong một lần mở lòng mình, cô đã kể rằng ngày cha mất, ý nghĩ duy nhất hiện ra trong đầu cô là: “Từ nay, mẹ tôi và tôi sẽ không bị đánh nữa”. Cha cô là người hung dữ, gia trưởng, mỗi khi đi uống rượu về, ông có thể đánh vợ với bất cứ lý do gì. Nếu cô bênh mẹ, cả hai mẹ con sẽ bị đánh tàn nhẫn hơn. Sức vóc hai mẹ con nhỏ bé, không thể chống đỡ.
Khóc trong câm lặng
Nhà cô ở sâu trong ấp, bao quanh là cánh đồng nên không có hàng xóm để cô chạy qua cầu cứu. Nhưng nếu có hàng xóm, chưa chắc cô đã dám chạy đi. Bởi chỉ cần cô khóc thành tiếng hoặc có một người đến can ngăn, mẹ cô sẽ bị đánh nhiều hơn. Cô thường phải câm lặng nhìn mẹ cô bị đánh.
Cô không có bạn bè suốt những năm học phổ thông. Hễ cha cô phát hiện cô đi chơi với bạn, ông sẽ lôi về nhà đánh. Ông thường hay mắng nhiếc rằng nuôi con gái như vịt trời, sớm muộn cũng theo trai. Cô lủi thủi đi học rồi về nhà. Có lần cô đi học về trễ bị cha đánh, uất ức quá cô khóc rồi ngất xỉu, mẹ cô chạy đi kêu cứu em trai của chồng. Không ngờ ngay hôm sau, tới lượt mẹ cô bị đánh ngất xỉu vì đã làm “xấu mặt chồng” và “có tình ý gì với em chồng”.
Từng ước mình được mồ côi cha, đã nhiều lần V. định tự tử nhưng cô không dám nhảy xuống cầu vì cô là nguồn vui duy nhất của mẹ.
Cô tự nhận mình là người “không bình thường” vì cô rất khó khăn khi giao tiếp với người khác. Cô thường dùng sai từ, nói năng kỳ cục, “vô duyên”, luôn cảm thấy căng thẳng khi ai đó bắt chuyện với mình. V. chỉ thoải mái khi viết nhật ký cho riêng mình đọc.
L. (trái) bên cạnh người má nuôi tốt bụng tại Tây Ninh. Ảnh: HM
Bạo lực chồng lên bạo lực
Cô bé MTL 14 tuổi, được một phụ nữ tốt bụng ở xã Trường Tây (Hòa Thành, Tây Ninh) nhận làm má đỡ đầu sau khi gặp em đi bán vé số với bộ dạng luộm thuộm, rất bất cần.
Sau nhiều lần hỏi chuyện, chị biết L. không được đi học, đang ở với chú. L. đi bán vé số một buổi, buổi còn lại đi chơi game nếu có tiền.
Người phụ nữ tốt bụng xin người chú được đưa L. về thăm nhà mình, chơi với con gái út của chị. Con gái út, cũng là một đứa trẻ cơ nhỡ được chị “lượm” về chăm sóc, chữa bệnh. Khi gặp em bé, L. quấn quýt với em, giúp má đỡ đầu chăm em và từ đó mới bắt đầu “thấy có người tin được” và xin ở đây luôn.
Má đỡ đầu của L. cho biết có hôm đang ngủ, em bật dậy định bỏ chạy. Sau nhiều lần trò chuyện, L. òa khóc nói ra điều rất đau lòng: Em đã bị cha hiếp dâm nhiều lần. L. không được đi học, không có bạn, cũng không biết nói cho ai biết để giúp mình. Em cứ sống lầm lũi trong nhà, mỗi khi thấy cha về là em lại trốn đi. Nhưng cũng có lúc cha đi nhậu xỉn về giữa khuya, em không kịp chạy đi…
Mẹ em bỏ nhà đi khi em còn rất nhỏ. Từ khi bắt đầu có ký ức, em đã nhớ rằng cha thường xuyên quát mắng con: “Cái mặt mày y như con mẹ mày”. Chỗ dựa tinh thần duy nhất của L. là ông nội. Ông rất thương cháu nhưng ông già cả, đau bệnh và bị lãng tai. Cha của L. từng đe dọa: “Mày nói với ai, tao đổ xăng đốt chết hết”. Có lần L. đã giấu một con dao nhọn với ý định sẽ chống trả nếu cha về nhà tiếp tục cưỡng bức mình nhưng không làm được. Có lẽ nhìn thấy sự thù hận trong mắt con gái, cha L. đã bỏ nhà lên TP.HCM làm thợ hồ, rồi sống với một phụ nữ khác, ít khi về nhà.
Dù đang được che chở, yêu thương nhưng L. vẫn không thể sống vui vẻ, hồn nhiên đúng như lứa tuổi của mình. Chị D. gửi L. tới một lớp học tình thương để học chữ, em nói với thầy: “Con chỉ muốn thầy cho đi học võ, để đứa nào đụng tới con, con đánh mềm xương!”.
Sau những nỗ lực bền bỉ của mẹ nuôi và thầy giáo, L. đã gò mình viết được những chữ cái đầu tiên. Nhưng cũng có những ngày L. không tới lớp, đi bán vé số rồi trốn đi đâu không rõ. Má đỡ đầu của L. lo lắng: “Nó đang tuổi dở dở ương ương, không biết tôi có kéo nó về phía mình được không, giá như được gặp nó sớm hơn…”.
Hãy giúp các em nhận ra giá trị bản thân Việc giáo dục con bằng những trận đòn, những lời la mắng thậm tệ thì những đứa con ấy dễ có khuynh hướng sử dụng lại “cách thức giáo dục” với những người khác. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên hành vi bạo lực của thế hệ sau. Khi trẻ bị bạo hành, trẻ thường không tự tin với những gì mình có, thậm chí là cơ thể mình, tính cách của mình. Trẻ luôn cảm thấy mình bị xem thường, bị đối xử khá bất công dẫn đến sự mặc cảm, thù hằn trong cuộc sống. Dấu vết đòn roi có thể mất đi nhưng sự tan vỡ trong tâm hồn của các em thì đến bao giờ mới mất được? Chính sự tan vỡ đó khiến nhiều em ước mơ thoát khỏi gia đình, điều này làm tôi rất đau lòng. Việc một đứa trẻ vượt qua những tổn thương để hòa nhập với cuộc sống là hết sức khó khăn. Tôi mong là các em sẽ được giúp đỡ. Người thân hãy giúp các em nhận thức về giá trị bản thân và bày tỏ cảm xúc tích cực. Hãy giúp các em được bộc lộ những thương tổn của chính mình (đây là điều hết sức quan trọng) để các em thoát những cảm xúc tiêu cực, những ám ảnh hay những nỗi sợ vô hình… Đó cũng là cách giúp trẻ nhận ra bản thân mình vẫn tồn tại, sống tích cực hơn. TS tâm lý HUỲNH VĂN SƠN DUY TÍNH ghi 18001567 là đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em với tên gọi chính thức “Phím số diệu kỳ 18001567”, thuộc Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, ra đời từ năm 2013. Đây là dịch vụ công do Nhà nước đầu tư kinh phí nhằm cung cấp thông tin, trợ giúp tâm lý, tư vấn hỗ trợ cho trẻ em và gia đình, bảo vệ trẻ em, phòng tránh các hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ em trên toàn quốc. Đến nay đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,3 triệu cuộc gọi của trẻ em và người lớn từ khắp 63 tỉnh, TP trên toàn quốc. Trong đó có khoảng 2.600 trường hợp đã được can thiệp, trợ giúp với các dịch vụ khẩn cấp. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có trên 90% trẻ em và người lớn biết, tiếp cận được với các dịch vụ của đường dây. |