Với sự phát triển ào ạt của Internet, game online đã mọc lên như nấm. Các điểm kinh doanh Internet mở ra từ mặt đường lớn đến hẻm sâu đã thu hút hàng vạn, thậm chí hàng triệu trẻ em cắm đầu vào những màn hình với đủ loại trò chơi.
Từ những trò chơi giải trí lành mạnh ban đầu
Nếu như lúc còn những trò chơi bằng băng đĩa, thỉnh thoảng các đoàn thanh tra văn hóa còn đi kiểm tra thì từ ngày có mạng trò chơi trực tuyến - game online - những nhà quản lý văn hóa coi như bó tay. Hầu hết là trò chơi chiến tranh, bạo lực và có khi cả những phim ảnh có mang yếu tố sex đã cuốn hút những mái đầu xanh vào thế giới ảo mà quên lãng thế giới thực chung quanh.
Vài năm trước, ở Hàn Quốc đã từng có thanh niên nghiện game chơi liên tiếp nhiều ngày quên ăn quên ngủ dẫn đến tử vong do kiệt sức. Ở Việt Nam chưa có thống kê trường hợp mê chơi game đến chết như thế nhưng chơi game đến kiệt sức, ăn ngủ tại tiệm Internet, bỏ nhà, bỏ học thì không hiếm. Không ít trường hợp trộm cướp để có tiền chơi game. Thậm chí có trường hợp về nhà hành hung cả cha mẹ để cướp tiền chơi game. Có cả án mạng thương tâm chỉ vì một va chạm nhỏ, bởi tính khí người nghiện game trở nên hung dữ lạ kỳ do ảnh hưởng bạo lực trên game. Khi ra hầu tòa, gương mặt non choẹt ngơ ngác trả lời tòa là nó bắt chước các trò đâm chém trong game online.
Một ông chủ tiệm Internet, mở tiệm đã mười mấy năm, kể với tôi nhiều chuyện rất thương tâm mà ông chứng kiến ngay tại tiệm ông. Một bà mẹ đến tiệm tìm con đang nghiện game lôi nó về đã bị thằng con xô ngã chấn thương sọ não phải nhập viện cấp cứu. Một ông bố đến gọi con đang mê game không chịu về nên đã nổi giận đập cái cây sắt cài cửa vào đầu thằng con làm nó ngã gục, máu me tràn lan, ông phải gọi xe cấp cứu! Ông bảo ngày trước khi chưa có game online, chỉ có các băng đĩa hình, tuy thỉnh thoảng bị thanh tra văn hóa kiểm tra nhưng làm ăn yên tâm và thu nhập khá do còn ít cạnh tranh, bây giờ tiệm nhiều quá, giá giảm liên tục, tiệm có vài chục máy nhưng cũng chỉ kiếm đủ tiền chợ. Nhân kỳ này chính quyền ra quyết định mở cửa trễ, đóng cửa sớm, ông tính dẹp tiệm luôn, chuyển sang bán tạp hóa cho khỏe thân.
Đến những tác hại khôn lường của game online
Các nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội từ lâu đã cảnh báo trên các phương tiện truyền thông về tác hại khôn lường của các trò chơi trực tuyến đối với giới trẻ do hầu hết trò chơi này là bạo lực, chiến tranh giết người như ngóe. Nhiều người không hiểu tại sao bọn trẻ ngày nay thường vô cảm, ngay cả với những trường hợp thương tâm, bởi hằng ngày chúng đã quen với những hành động bạo lực trên game online. Tại những điểm truy cập Internet, game online, hầu hết người chơi là đám trẻ con nhà nghèo, cha mẹ bù đầu chuyện cơm áo gạo tiền, đâu có thời giờ theo dõi con cái chơi bời, học hành ra sao. Và có lẽ họ cũng không biết và cũng chẳng quan tâm tới những tác hại của trò chơi trực tuyến này. Bên cạnh đó là một số thanh niên lêu lổng vô công rồi nghề, “ngồi đồng” cả ngày bên bàn phím chơi game để giết thời gian, vì thời gian đối với họ quá rẻ, chỉ ba, bốn ngàn đồng một tiếng đồng hồ!
Rõ ràng quyết định của TP hạn chế giờ mở cửa tiệm Internet chỉ có tác động đến những đối tượng nêu trên. Còn những đứa trẻ con nhà khá giả, chỉ cỡ tuổi cấp II, hầu hết đã có smartphone, có máy tính riêng ở nhà. Có smartphone trong tay, chúng chỉ cần ngồi nhà hay ngay cả trong lớp học, lúc ra chơi, ngồi trên xe chúng cũng bấm chơi game online thoải mái. Thậm chí có những cha mẹ không muốn con quấy rầy cứ cho mỗi đứa mượn một chiếc smartphone là chúng nó ngồi im phăng phắc một góc. Mỗi đứa một cái smartphone ngồi cắm đầu vào những trò chơi đánh nhau, bắn nhau thoải mái. Những ông bố, bà mẹ này không biết rằng họ đã tạo nên thói quen xấu cho con mà tác hại lâu dài cho bọn trẻ về sau này không thể lường trước. Cả những đứa trẻ con nhà nghèo la cà cả ngày ở các tiệm Internet lẫn những đứa trẻ con nhà khá giả chơi game online bằng smartphone đều chịu những ảnh hưởng tác hại của game không khác bao nhiêu. Dần dà chúng nhìn cuộc đời thực như trên game. Ở góc độ này, chính quyền không thể vươn tay can thiệp tới được mà tùy cách giáo dục của mỗi bậc phụ huynh.
Hiện nay, tại nhiều nước tiên tiến, nơi công nghệ thông tin phát triển tột độ, người ta có khuynh hướng dạy trẻ con trở lại với những thiết bị thô sơ nhất. Như ở Mỹ có trường trung học chuyên dạy học sinh bằng học cụ truyền thống như bảng đen phấn trắng, viết trên tập học sinh cơ bản, thầy cô giảng dạy theo phương pháp cổ điển, không có sách điện tử, màn hình, máy tính gì cả. Điều lạ là nhiều học sinh của ngôi trường đặc biệt này là con em của các đại gia trong ngành công nghệ thông tin! Bởi hơn ai hết, những người này hiểu rằng trẻ con ngày nay với vô vàn phương tiện học tập, giải trí đã được lập trình sẵn, bọn trẻ ngày càng trở nên thụ động, thiếu hẳn óc sáng tạo. Sự sáng tạo chỉ có thể từ những đầu óc, tâm hồn trong sáng với các phương tiện mộc mạc đơn giản nhất.