Sau thời gian các chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền định dạng (format) sản xuất, hiện đã bắt đầu thời các nhà sản xuất Việt tự sản xuất những format mới cho chương trình của mình.
Tràn ngập chương trình mua format
Trong khoảng 5-7 năm vừa qua, giải trí trên truyền hình tràn ngập các chương trình truyền hình thực tế, gameshow được mua bản quyền từ format chương trình ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất là các chương trình tìm kiếm tài năng: Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn, Thử thách cùng bước nhảy, Tôi là người chiến thắng, Tuyệt đỉnh tranh tài, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo…
Trong hội thảo Bản quyền điện ảnh và truyền hình do Công ty BHD cùng Hội Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức gần đây tại TP.HCM, một khán giả truyền hình đã đặt vấn đề: “Chi phí mua format các chương trình truyền hình có đắt hơn việc tự sản xuất không mà mình lại toàn mua của nước ngoài?”. Câu hỏi đó đã phần nào nói lên thực trạng thiếu vắng những chương trình có định dạng thuần Việt cùng với sự trông chờ của khán giả vào những chương trình của Việt Nam sản xuất.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam, đã chia sẻ: “Chúng tôi từng nghĩ việc tự sản xuất chương trình giữa việc làm chương trình và đưa được chương trình đến với khán giả là hai câu chuyện hoàn toàn khác. Làm chương trình, gameshow không khó nhưng liệu khán giả có chấp nhận nó không hay chỉ chấp nhận phần nào?”.
The Kid Host - Người dẫn chương trình tương lai là chương trình format Việt hoàn toàn do MC Quỳnh Hương thực hiện. Ảnh: MayQ cung cấp
Đó cũng là một thực tế, khán giả phải chấp nhận chương trình qua việc chương trình có lượng người xem từ đó mới có những nguồn lợi khác từ quảng cáo, nhà tài trợ… để tiếp tục sản xuất.
Ông Hòa dẫn chứng thêm rằng những ngày đầu VTV mua bản quyền format các chương trình: Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng… Và đến giờ các chương trình này vẫn hiện hữu trên sóng VTV bởi ngoài sự hấp dẫn của gameshow còn là lượng khán giả xác thực rất cao.
Cố gắng có những chương trình thuần Việt
Tuy nhiên, nói vậy không phải các nhà sản xuất Việt và nhà đài chỉ ngồi chờ rating (chỉ số để đánh giá lượng người xem) rồi mới chọn chương trình phát sóng. Bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD, cho rằng: “Chúng tôi vẫn học từ những chương trình mua format và đang sản xuất những chương trình thuần Việt. Khán giả chú ý sẽ thấy lượng chương trình truyền hình thuần Việt vẫn nhiều hơn chương trình mua format nước ngoài. Nhưng với các chương trình mua format, do nó vốn đã có tiếng trên thế giới nên việc các nhãn hàng nhảy vào tài trợ mạnh, được xếp vào giờ vàng là hiển nhiên hơn”.
Có thể thấy trong khoảng một năm trở lại đây, chương trình có format Việt ngày càng nhiều hơn và đa dạng thể loại hơn từ các hình thức thi thố tìm kiếm tài năng: Vợ chồng mình hát, The Kid Host - Người dẫn chương trình tương lai, Phái mạnh Việt… đến các chương trình thực tế, phóng sự điều tra: Lần theo dấu vết, Khoảnh khắc sinh tử…
Nếu các chương trình tìm kiếm tài năng có format nước ngoài nặng về yếu tố tài năng, giá trị giải thưởng thì các chương trình Việt Nam sản xuất, những yếu tố này được “giảm nhiệt” hơn. Như chương trình Vợ chồng mình hát (kết thúc mùa đầu tiên vào tháng 2-2015) là sân chơi thi hát cho các cặp đôi vợ chồng, ở đó khán giả sẽ thấy các cặp vợ chồng ngoài thi hát thì điều quan trọng hơn là chương trình đem đến cho chính các cặp đôi sự gắn bó, tình yêu thương nhiều hơn trong suốt ba tháng chương trình diễn ra. Và sau khi thi thố khép lại, khán giả lại nhớ chương trình với những đôi vợ chồng dễ thương, một điều gần như thiếu vắng ở các chương trình truyền hình thực tế với format nước ngoài. Hay từ ngày 17-7 sắp tới, chương trình The Kid Host - Người dẫn chương trình tương lai sẽ lên sóng HTV9 (20 giờ 30 phút thứ Sáu hằng tuần). Không như những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, nhảy múa của trẻ em đang nhiều trên truyền hình, đây được kỳ vọng sẽ là một sân chơi học mà chơi chơi mà học, ở đó các em 8-12 tuổi được thử thách kiến thức, kỹ năng để có những trải nghiệm với nghề MC.
Và hai chương trình Khoảnh khắc sinh tử, Lần theo dấu vết của Đông Tây Promotion đầu tư sản xuất do nhà báo, đạo diễn Binh Nguyên thực hiện cũng là hai sêri chương trình thuần Việt và thấm đẫm yếu tố nhân văn.
Áp lực rating Chương trình Việt hay chương trình mua format, khán giả không khen, chẳng chê thì chương trình đó dễ rơi vào cửa tử. “Bất cứ chương trình Việt tự sản xuất hay mua format nước ngoài đều có áp lực rating. Rating bây giờ là thước đo về chất lượng chương trình. Tuy nhiên, ngoài rating từ truyền hình, hiện rating từ mạng xã hội cũng rất được quan tâm” - ông Đỗ Văn Bửu Điền, Chủ tịch HĐQT Điền Quân E&M, nói. Thế nhưng với các chương trình thuần Việt non nớt, nếu chỉ dựa vào rating e rằng sẽ thiếu sự công bằng. Bởi các chương trình thuần Việt sẽ không “hot”, không có giờ đẹp phát sóng… và không có cảnh đếm spot quảng cáo lượm tiền như các chương trình format nước ngoài. Vậy nên chỉ còn trông đợi các nhà đài dành ưu ái hơn cho các chương trình Việt mà thôi. |