Ông Huỳnh Cách Mạng, thay mặt Thường trực UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Theo đó, năm 2017, ngành tư pháp TP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP. Năm 2018, ngành tư pháp TP phải đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: K.P
Một là, ngành tư pháp TP cần tập trung, cùng với các ngành, các cấp của TP triển khai thực hiện tốt 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Trong đó, ngành tư pháp TP cần chú trọng thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, qua đó góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
Ví dụ như ở cấp phường gần như nhà nào cũng có ĐTDĐ thì chúng ta tính thử xem tuyên truyền pháp luật qua điện thoại bằng tin nhắn, email được không?
Công tác văn bản chúng ta còn bộc lộ những thiếu sót, sai sót. Ở đây, cần xem lại quy trình của soạn thảo, truyền đạt các văn bản của quận - huyện làm sao để các văn bản ban hành đúng quy định pháp luật. Rồi các cơ quan này tồn đọng nợ văn bản, phải chú ý thực hiện tốt trong thời gian sắp tới.
Đặc biệt, với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Quốc hội, đây được xem là động lực phát triển mới và trách nhiệm lớn của TP vì cả nước. Sở Tư pháp cùng với các ngành, các cấp của TP cần chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền TP triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết góp phần phát triển TP nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Sở Tư pháp TP phải lao vào tham mưu, đề xuất cho TP thực hiện Nghị quyết 54. TP giao ai, làm gì trong ba năm về tài chính, con người, lương… với 20 đầu mục mà Trung ương cho TP làm vậy là ai làm quận - huyện, phường - xã …
Hai là, tiếp tục là “cơ quan gác cửa” tin cậy của chính quyền TP có những chủ trương, quyết sách tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Các cơ quan tư pháp cần chủ động tham gia sâu, ngay từ đầu với các ban, ngành của TP đối với những dự án lớn, phức tạp về mặt pháp lý (như: thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng…). Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các tranh chấp đầu tư quốc tế là không tránh khỏi, Sở Tư pháp phải nâng cao chất lượng tham mưu UBND TP những quyết sách để giải quyết những vấn đề tranh chấp quốc tế phát sinh trên địa bàn.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ các nội dung chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế và các luật mới được Quốc hội thông qua năm 2017 (có hiệu lực pháp luật từ năm 2018). Đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực theo phương châm sát với nhu cầu, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, tăng cường quản lý nhà nước về công tác hộ tịch – quốc tịch; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các quận - huyện, phường - xã - thị trấn giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương…
Ông Nguyễn Thanh Bình (Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ Tư pháp) và bà Phan Thị Bình Thuận (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) tại hội nghị. Ảnh: K.P
Năm là, tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là tăng cường và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, bán đấu giá, thừa phát lại…) để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai sót vi phạm trong hoạt động này.
Sáu là, đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của ngành tư pháp TP, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp; tinh giản, thu gọn tổ chức, bộ máy nhân sự. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp.