Sở VH-TT công bố 32 chương trình nghệ thuật Tết

Sáng 21-1, tại khu sân vườn Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM, Sở VH&TT TP.HCM đã tổ chức chương trình Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí lần đầu tiên.

Lắng nghe công chúng thông qua truyền thông

Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí được tổ chức với mong muốn tạo ra kênh thông tin giữa ngành văn hóa, thể thao TP với các cơ quan thông tin đại chúng. Từ đó, thông tin về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… nhanh chóng đến với người dân TP.HCM.

“Sau buổi cà phê đầu tiên này, sở mong muốn cứ một, hai tháng sẽ có một buổi cà phê chuyên đề để trao đổi, trò chuyện với anh chị em truyền thông lẫn chuyên môn cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Ví dụ, vào tháng 3 có kỷ niệm ngày thể thao (ngày Thể thao Việt Nam 27-3 hằng năm - PV), có thể sở sẽ tổ chức chuyên đề thể thao.

Những buổi cà phê văn hóa, thể thao giúp quan hệ của cơ quan quản lý cùng các cơ quan truyền thông được gần gũi hơn. Từ đó, sở lắng nghe những hiến kế của báo chí, truyền thông về các chương trình, đề án của sở, cũng như những khúc mắc về mặt thông tin được giải quyết thấu đáo, thân tình” - ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, chia sẻ.

Tại buổi Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí đầu tiên, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, đã thay mặt sở công bố 32 chương trình văn hóa, nghệ thuật dành cho công chúng vào dịp tết Nguyên đán Tân sửu năm nay. Nổi bật trong đó là các chương trình nghệ thuật: Nhạc hội đờn ca tài tử, chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền, lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ tết Tân Sửu, lễ hội Nguyên tiêu - Ngày thơ và diễu hành đường phố…

Cùng đó là các chương trình dành cho cộng đồng gắn với các hoạt động chào mừng, lễ kỷ niệm: Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng, lễ dâng cúng bánh tét quốc tổ Hùng Vương và Đức Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lễ dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa…

Không gian Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí tại sân vườn Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM. Ảnh: QUỲNH TRANG

Làm sống lại đờn ca tài tử và chợ hoa Trên bến dưới thuyền

Trong 32 chương trình trên, có hai hoạt động đáng chú ý là đờn ca tài tử và chợ hoa Trên bến dưới thuyền. Đây là hai hoạt động mà sở mong muốn xây dựng để trở thành hoạt động thường niên và thường xuyên hơn.

Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Trong đó, TP.HCM là một trong những nơi đờn ca tài tử phát triển và có một hình thức “sống” khác các tỉnh miền Tây Nam bộ.

“Ba năm qua chúng ta chưa có một tổng kết nào cho di sản đờn ca tài tử. Vì thế, năm nay sở làm chương trình Nhạc hội đờn ca tài tử. Chúng tôi quy tụ 86 câu lạc bộ đờn ca tài tử từ 24 quận/huyện của TP, viết lại lời mới cho các bài bản cổ, dựng hai sân khấu phụ với tiểu cảnh một bên là nhà sàn, một bên là ghe đều trên sông nước… Tất cả với mục tiêu tạo không gian đờn ca tài tử giữa đô thị” - ông Võ Trọng Nam chia sẻ thêm về nhạc hội đờn ca tài tử sẽ diễn ra vào tối 30 và 31-1 ở khu vực trước Nhà hát TP.HCM.

Bên cạnh đó, nét đặc trưng của Sài Gòn một thời là chợ hoa Trên bến dưới thuyền ở khu vực Bến Bình Đông (quận 8) và lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa lâu nay cũng chưa thật sự được chú trọng. Năm nay, chợ hoa Trên bến dưới thuyền được sở xác định là một di sản văn hóa của TP. “Từ ý nghĩa đó, năm nay chợ hoa Trên bến dưới thuyền sẽ quy tụ nhiều hoạt động hơn. Ví dụ như các thuyền hoa trên sông, thuyền qua lại với đờn ca tài tử, các cầu đi bộ số 6 và 7 (bắc từ Bến Bình Đông sang đại lộ Võ Văn Kiệt - PV) sẽ được trang trí sắp đặt bằng hoa, tiểu cảnh…” - ông Võ Trọng Nam giới thiệu.

Sẽ có nhiều workshop tạo tiền đề cho lễ hội âm nhạc quốc tế

Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM (HOZO) tổ chức mùa đầu tiên vào năm 2019 đã thu hút nhiều ban nhạc, đoàn nghệ thuật quốc tế, trong nước cũng như công chúng tham gia. Tuy vậy, năm 2020 HOZO đã không thể tổ chức do dịch COVID-19. “Sở đã tham mưu với UBND TP.HCM làm sao duy trì HOZO như một đặc sản văn hóa của TP” - NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, cho biết.

Theo bà Thúy, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, HOZO sẽ tiếp tục, nên sau tết Nguyên đán sở sẽ cùng các đơn vị liên quan lên đề án tổ chức những buổi workshop về các mô hình, thể loại… âm nhạc nhằm hâm nóng trước cho HOZO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới