Sáng 7-12, kỳ họp thứ 10 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 bước vào ngày làm việc cuối cùng tiếp tục ở phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề giáo dục (bạo lực học đường, gian lận trong thi cử), tình trạng vi phạm hàng lậu, hàng giả, giao thông, đô thị, đất đai… đã được các đại biểu đặt ra cho các giám đốc sở, ngành liên quan.
Đại biểu Nguyễn Hồng Trinh bày tỏ sự lo ngại về tình trạng ngập đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thời gian tới TP có những giải pháp gì để ứng phó tình trạng này?
Giải đáp ý kiến của đại biểu Trinh, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Trước đây, tình trạng triều cường gây ngập chỉ tác động trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp nhưng từ năm 2017, khi đỉnh lũ ở thượng nguồn đạt 2,03 m đã bắt đầu tác động đến đô thị.
Cụ thể, ngày 10-10 vừa qua, mức triều ghi nhận được ở Cần Thơ là 2,23 m, vượt quá khả năng chống chịu của thành phố là 2 m. Qua khảo sát, có 62/73 tuyến đường ở quận Ninh Kiều bị ngập, nước tràn qua tất cả bờ, đi vào khu vực nội ô. Có tổng cộng khoảng 107 điểm ngập 0,1-0,65 m, thời gian ngập 2-4 tiếng. Đáng nói có đến 14 tuyến đường ngập sâu 0,4-0,65 m.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nhiều như hiện nay theo ông Toàn là do sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu nhưng đây là quá trình diễn ra từ từ, không phải đột biến tức thời.
Triều cường hồi tháng 10 vừa qua gây ngập sâu ở Cần Thơ.
"Một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là mực nước ở thượng nguồn những năm về sau càng lúc càng thấp nhưng ở đô thị lại tăng cao. Hiện nay, các khu vực đê bao được xây dựng ở thượng nguồn nhưng lại không có điều tiết nước. Do vậy, cần phải có cơ chế quản lý các vùng. Điều này một mình Cần Thơ không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của các địa phương và các bộ, ngành" - ông Toàn cho biết.
Cũng theo ông Toàn, hiện Cần Thơ cũng đang đối mặt với một tình trạng ngập khác đó là cứ mưa là ngập. “Nguyên nhân căn cơ nhất gây ngập là do hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng. Thời gian qua, thành phố đã có được dự án nâng cấp đô thị 1,2 m nhưng các dự án này chỉ giải quyết được bài toán ngập tại các con hẻm nhỏ. Khi nước được đưa ra hệ thống thu gom chính (vốn không đảm bảo việc tải lượng nước) vẫn bị tắc nghẽn và gây ngập" - giám đốc Sở Xây dựng lý giải.
Ông Toàn cho biết thêm hiện Cần Thơ đang triển khai dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Trong đó có việc nâng cấp đầu tư 30 tuyến đường chính gắn với hệ thống thu gom nước. Khi 30 tuyến đường này hoàn thành kết hợp cải tạo cảnh quan, sẽ cơ bản giải quyết chuyện ngập của thành phố.
Tôi đi cơ sở, trong khi đô thị ngập mênh mông thì tại các cánh đồng ở huyện Thới Lai, quận Ô Môn lại không có nước. Đồng ruộng thì mênh mông nhưng do làm đê bao, do ngăn cống, nước không vô đồng ruộng và phải tràn qua chỗ khác. Thậm chí người dân rất bức xúc trước việc ngành chức năng đã chặn lại các con đập ở dự án Ô Môn - Xà No. Giả thuyết nếu như 13 khu vực ở quận Ninh Kiều có diện tích bằng hai xã, rồi hàng trăm xã bị tình trạng nước vô không được, sẽ ra sao. Do vậy ngành nông nghiệp cần phải xem xét gốc rễ nguyên nhân, tính toán lại giải pháp nước thượng nguồn rồi thời vụ lại thời vụ để giúp nông dân thu hoạch, gặt hái sớm. Khi nước lũ về cứ thoải mái tràn đồng. Thực tiễn đã chứng minh nước lũ mang lại lợi ích nhiều hơn là thiệt hại. Ông PHẠM VĂN HIỂU, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ |