Sôi động cuộc đua phát hành thẻ tín dụng nội địa

(PLO)- Đang có cuộc đua giữa các tổ chức tài chính ngoại và nội trong việc phát hành thẻ tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, hai tổ chức tài chính lớn gồm Mastercard và Shinhan Finance đều ra mắt thẻ tín dụng The First tại Việt Nam. Khi sở hữu thẻ tín dụng này, khách hàng có thể thanh toán mọi giao dịch ở cả trong nước và quốc tế.

Tại buổi ra mắt, ông Oh TaeJoon, Tổng Giám đốc Shinhan Finance Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục mang đến cho thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm và dịch vụ an toàn, vượt trội hơn nữa. Từ đó, người dân Việt Nam có thể tận hưởng một cuộc sống chất lượng hơn”.

Sự xuất hiện của những người chơi mới trong việc phát triển thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam một mặt đem lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt, mặt khác tạo ra cuộc cạnh tranh hấp dẫn giữa các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Thanh toán không tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 máy POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị.

Trong một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết trong 5 năm qua, thẻ tín dụng tại Việt Nam đang có sự tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Người dân Việt Nam ngày càng quen với việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán mua hàng hoá và dịch vụ.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6-2022, có 12 tổ chức tín dụng đang phát hành thẻ tín dụng nội địa, bao gồm: Vietinbank, Agribank, BaoVietbank, Sacombank, Nam A Bank, ACB, HDBank, Viet Capital Bank, OCB và các công ty tài chính VietCredit, FCCOM…

Tính đến cuối tháng 6-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt khoảng 600.000 thẻ, tăng trưởng 26% so với cuối năm 2021. Trước đó, tốc độ tăng trưởng này đạt trung bình 23,2%/năm trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm