Sông Sài Gòn sẽ được phát triển ra sao trong 5 năm tới?

(PLO)- Việc phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển của dòng sông, song yếu tố quyết định là TP.HCM phải hoạch định được hướng đi đúng đắn và lâu dài, cơ chế chính sách rõ ràng, phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 – 2025, TP.HCM với định hướng, tầm nhìn phát triển hành lang sông Sài Gòn sẽ tạo đặc trưng đô thị và tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ.

Rà soát quỹ đất dọc sông trong 5 năm tới

Cụ thể, đề án trên cho biết trong 5 năm tới, TP.HCM muốn triển khai các dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí, đảm bảo chất lượng không gian đô thị khu vực dọc bờ sông Sài Gòn một cách hài hòa. Đồng thời, TP sẽ khai thác hiệu quả tính đặc trưng, bản sắc, văn hóa đô thị, tạo dựng hình ảnh riêng biệt cho TP.HCM.

TP cũng lên kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, không gian thân thiện với môi trường, tạo điều kiện sống tốt cho khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ngập, chống sạt lở, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

sông sài gòn
TP định hướng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn. Ảnh: KC

"Trong giai đoạn này, TP sẽ tập trung tổng hợp rà soát quỹ đất dọc hành lang sông và đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (bờ kè, kết nối hạ tầng giao thông, công viên cây xanh, khu vực di sản, văn hóa, khu vực có giá trị sinh thái) khuyến khích các đối tác tư nhân, các tổ chức kinh tế xã hội, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác hạ tầng bền vững", đề án nêu rõ nhiệm vụ đến năm 2030.

TP sẽ khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của sông Sài Gòn để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và du lịch ven sông, kết nối với hệ sinh thái ven kênh để phát triển du lịch đường thủy trở thành sản phẩm đặc thù của TP.HCM. Hình thành không gian kết nối các hoạt động ven bờ và các điểm thu hút công cộng, bảo tồn di sản, văn hóa địa phương tạo hình ảnh đặc trưng riêng biệt cho không gian đô thị,…

song-sai-gon-1.jpg
Du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn được định hướng trở thành "đặc sản" của TP.HCM.

Về cách thức hiện thực hóa đề án cũng có nhiều điểm mới, đơn cử như tổ chức triển khai thí điểm xây dựng một số công trình hạ tầng xanh như kè sông, kết hợp công viên và các công trình dịch vụ công cộng nhằm phát huy kinh tế dịch vụ và nâng cao hạ tầng xã hội phục vụ người dân theo hướng cải tạo cảnh quan và bổ sung các tiện ích công cộng...

"Thực hiện chuyển đổi một vài khu dân cư và khu phức hợp thành dạng đô thị sinh thái, tái thiết đô thị bền vững, tập trung áp dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên, được giám sát kỹ thuật số. Đề xuất tham mưu cơ chế tài chính đặc thù triển khai các dự án đầu tư tại khu vực, bao gồm cơ chế quản lý ngân sách và cơ chế quản lý vốn đầu tư, nắm bắt giá trị đất đai, đảm bảo thu hút nhà đầu tư có năng lực", đề án nêu rõ

Cần hoạch định rõ cách làm, rà soát lại cơ chế chính sách

Trao đổi với pv PLO, KTS Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định, về mục tiêu phát triển kinh tế của TP.HCM trong bối cảnh hiện nay cho thấy TP có xu hướng “xoay trục” về dòng sông Sài Gòn – nơi có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hiệu quả.

Trên thực tế, sông Sài Gòn là dòng sông đi qua TP.HCM với tiềm năng phát triển rất lớn, sông có đường vòng đi xuyên TP nhưng quy hoạch hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, nhiều đoạn vẫn là cây cối hoang sơ.

"Từ xưa đến nay, đặc trưng của TP.HCM là TP sông nước. Trước kia truyền thống người dân dùng dòng sông để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nhưng do sự phát triển đường bộ đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh chóng, tiện lợi hơn nên dòng sông không còn khai thác theo lối cũ mà nâng cấp thành loại hình mới là phục vụ du lịch, đến nay giá trị đó vẫn tồn tại", ông Mười phân tích thêm.

buyt-song-0.jpg
TP.HCM đã định hình được cách khai thác lợi thế sông Sài Gòn.

Thời gian qua TP đã khai thác sông Sài Gòn với nhiều chương trình bến dưới thuyền, sự kiện sông nước,…Điều này đánh dấu những bước đi bước phát triển đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế khu vực sông Sài Gòn.

"Tuy nhiên, để đánh thức được “con rồng” này, vấn đề đặt ra là TP.HCM khai thác thế nào để hình thành giá trị tương đồng hai bên bờ sông, kéo dài xuyên suốt từ quận 1 đến huyện Củ Chi, thậm chí có thể lên đến tỉnh Tây Ninh chứ không đơn thuần chỉ tập trung ở những nơi trung tâm sầm uất như hiện nay", ông Mười đặt vấn đề.

Theo ông Mười, để đạt được mục tiêu đó, cần thiết kế quy hoạch chuẩn để xác định giá trị sông Sài Gòn, những dự án dọc hai bên bờ sông Sài Gòn là minh chứng cho việc TP đã hình dung được một diện mạo đô thị sông nước. Xu hướng phát triển đó cộng hưởng với hệ giá trị sinh thái sẽ tạo ra diện mạo đô thị của TP sông nước, đây chính là định hướng lâu dài để phát triển kinh tế ven sông.

Song, ông Khương Văn Mười nhấn mạnh, mấu chốt hiện nay là TP phải xác định định hướng rõ ràng, phải có thiết kế đô thị hai bên bờ sông, khu nào là dân cư, khu nào là cảnh quan.

Trong thiết kế đô thị không chỉ nói về các công trình kiến trúc mà phải thể hiện được giá trị khai thác dòng sông ở nhiều mùa khác nhau, phải có tổ chức chịu trách nhiệm khai thác trên dòng sông, những ý tưởng về đầu tư xây dựng phát triển dọc hai bên bờ sông. "Đầu tư như thế nào phải mang lại hiệu quả kinh tế, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo và để đạt được điều đó đòi hỏi các bước chuẩn bị phải kỹ càng, lộ trình, hướng đi được hoạch định cụ thể", ông Mười góp ý.

song-sai-gon-2.jpg
Những dự án dọc hai bờ sông Sài Gòn chưa đồng bộ, tương xứng.

Khi bắt tay vào làm phải làm cho tới, cho xong

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1 nêu quan điểm TP.HCM là TP sông nước, từ xa xưa ông bà ta đã “theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển”, chính vì vậy, việc phát triển nền kinh tế ven sông Sài Gòn là hợp lý, là lẽ tất yếu, là hồn cốt của TP.

"Sau nhiều năm “xoay trở” với dòng sông Sài Gòn, TP.HCM đã nhận thấy giá trị mà nó mang lại, nhưng vướng mắc lớn để phát triển kinh tế ven sông chính là tính định hướng chưa rõ, cách làm chưa có", ông Toản nhìn nhận.

Ông Toản cho rằng, TP.HCM phải nghiên cứu làm thế nào để phát triển kinh tế ven sông hiệu quả, tiết kiệm thời gian, nguồn lực xã hội. Trên thực tế, TP không thiếu những dự án chậm trễ, kéo dài nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nguồn lực rất lớn.

"Chính vì vậy, khi TP thật sự quyết tâm hồi sinh kinh tế ven sông Sài Gòn thì là cơ hội song cũng nhiều thách thức như đòi hỏi phải tính toán làm sao khi bắt tay vào làm phải làm cho tới, cho xong, cho đúng tiến độ, cho có kết quả xứng đáng", ông Toản thẳng thắn.

Tóm lại, việc TP nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn là một tín hiệu đáng mừng, nhưng để vực dậy được cả vùng kinh tế này thì TP đang thiếu cách làm, không có sự điều phối xuyên suốt. "Việc này dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu, nảy sinh vấn đề nhiều công trình làm mãi không xong", ông Toản nhận xét thêm.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM thì rằng để đánh thức kinh tế ven sông Sài Gòn, TP.HCM cần nghiên cứu việc xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn quy mô lộ giới 120-200m, dài 77km từ Củ Chi đến Cần Giờ với 14 làn xe, trong đó có làn xe ưu tiên, có tuyến metro theo chủ trương bám sông hướng biển.

"Ngoài dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, TP nên mở bến cảng nội địa kết hợp thăm quan du lịch trên sông với đầu nối điểm dừng là 42 công viên dọc sông kết hợp làng nghề trong 42 công viên đa năng. TP.HCM cũng cần định hướng các nguồn thu từ dịch vụ (du lịch, tài chính, kỹ thuật công nghệ cao, đào tạo, tư vấn...) hơn là các nguồn thu từ BĐS", ông Thuận nói về giải pháp.

Quyết định số 2184 của UBND TP ngày 30-6-2021 về phê duyệt Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông, với 5 nhóm công việc giai đoạn đến 2025.

Nhóm 1: Quán triệt tầm nhìn, định hướng, đảm bảo quản lý tích hợp đồng bộ.

Nhóm 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Nhóm 3: Quản lý điều phối hiệu quả nguồn lực.

Nhóm 4: Quy hoạch, thiết kế và xây dựng quy chế quản lý.

Nhóm 5: Đầu tư xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông đồng bộ và triển khai các dự án thành phần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm