Ngày 23-9, một ngày sau vụ sập biệt thự cổ làm hai người tử vong, lực lượng chức năng tiếp tục phong tỏa hiện trường. Tuy nhiên, một số người dân vẫn được trở lại nhà mình để thu gom một số tài sản còn sót lại.
Quanh hiện trường, nhiều người dân vẫn tụ lại bàn tán. Bà Phạm Thu Hằng kể về trường hợp chị Lê Thị Hồng (47 tuổi, ở Hà Tây) bán rau đã chết ở bệnh viện: “Trước đó, tôi còn mua rau của chị ấy. Hồng có nói với tôi mấy hôm nay đi lại khó khăn do đường sá ngập nước nên sẽ nghỉ bán vài ngày. Ai ngờ sau đó mọi người tìm thấy chị ấy trong lớp bê tông dày, mặt đầy bụi đất, trước ngực vẫn còn đeo túi tiền bán rau”.
Không kịp phát cảnh báo
Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết ngôi nhà bị sập nằm trong diện an toàn và chưa từng có cơ quan chức năng nào cảnh báo về mức độ nguy cấp của căn nhà.
Ông Hoạch cho hay tổng công ty được giao tiếp quản, sử dụng căn nhà từ năm 1995. Tòa nhà có ba khối, mặt chính cao hai tầng. Nơi bị sập thuộc khối giữa là hội trường được xây theo kiểu mái vòm. “Ngôi nhà đã được sửa chữa chống dột, gia cố vào năm 1999. Quá trình sử dụng, chúng tôi không thấy xuống cấp và đến nay chưa cơ quan chức năng nào cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tòa nhà. Trái lại, tòa nhà này được xác định thuộc danh mục biệt thự cổ do TP Hà Nội quản lý. Nó không thuộc diện xuống cấp nghiêm trọng” - ông Hoạch nói.
Theo ông Hoạch, tổng công ty đã nhiều lần xin phép các cơ quan chức năng TP Hà Nội cải tạo hoàn toàn tòa nhà này song chưa được chấp thuận. Về các thông tin cho thấy đơn vị đang sử dụng tòa nhà biết trước sự cố nhưng không thông báo để mọi người di tản. Ông Hoạch cho rằng tòa nhà có biểu hiện rung lắc. Tuy nhiên, các nhân viên chỉ kịp thoát ra khỏi khối nhà bên cạnh (chưa thoát hẳn ra ngoài tòa nhà cổ) thì khối nhà giữa đã đổ sập. “Sự việc xảy ra trong tích tắc, không kịp phát cảnh báo ra bên ngoài. Ngoài ra, đây là khu vực đông người ở và nếu hét toáng lên thì dễ làm nhiều người hoảng loạn có thể dẫn đến thương vong lớn hơn” - ông Hoạch giải thích.
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường đưa người gặp nạn đi cấp cứu trong vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh: VIẾT LONG
Căn biệt thự trên 100 năm đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: V.THỊNH
Tuổi thọ trên 100 năm
Sau khi sự việc xảy ra, thông tin đã lan nhanh đến những người dân sống trong những tòa nhà cổ, chủ yếu là biệt thự Pháp hoặc được xây theo kiểu Pháp. Tất cả căn nhà này đều có tuổi thọ trên 100 năm, bị cơi nới với mật độ sinh sống khá dày đặc.
Đứng trước căn biệt thự Pháp ở số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng), người viết có thể thấy rõ sự xuống cấp. Bên trong, chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ và mỗi bước chân đi qua dễ đều cảm nhận sự rung lên của những nấc thang. Trên tầng hai là nơi sinh sống của năm hộ dân, cánh cửa đã mục nát được gia cố bằng những miếng ván tạm bợ. Bà Ánh (một trong những hộ dân đang sinh sống ở đây) thở dài: “Bao nhiêu lần rồi, chúng tôi đề xuất sửa mà có ai ngó ngàng gì đâu. Nhà báo muốn thì cứ chụp ảnh, đừng hỏi tôi gì nữa”. Tuy vậy, khi chúng tôi đề cập đến sự xuống cấp của căn nhà, bà Ánh liền chỉ ngay lên trần phía hành lang nói: “Ở đó, cứ mưa là nước thấm. Chúng tôi phải lót nylon ở trần, còn xuống cấp thế nào anh cứ nhìn xung quanh là biết. Chúng tôi cũng lo lắm nhưng giờ biết làm sao”.
Không chỉ ở bên trong, phía ngoài cũng nhận rõ sự xâm lấn của thời gian lên kết cấu. Nhiều phần tường đã lên rêu mốc, từng mảng tường nham nhở lẫn với dây nhợ lằng nhằng.
Tại căn nhà Pháp cổ (73 Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), chị Nguyễn Giang Nam đang buôn bán ở tầng một của căn nhà cũng chung tâm trạng thấp thỏm. “Căn nhà này được xây từ năm 1920, giờ có bốn hộ gia đình cùng ở. Từng ấy năm rồi không xuống cấp mới lạ nhưng cũng không có điều kiện để sửa chữa nên đành sống trong sợ hãi vậy” - chị Nam nói.
Chậm bảo vệ nhà cổ, bảo vệ dân
Theo ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61/CP Sở Xây dựng TP Hà Nội, muốn biết các căn nhà cổ có nguy cơ sập đổ như nhà 107 Trần Hưng Đạo hay không thì cơ quan kiểm định phải đi “khám”. “Hiện nay với những nhà người dân đang sinh sống bình thường nhưng không qua kiểm định thì không thể biết được đó là nhà có nguy hiểm hay không. Các chủ sở hữu, chủ sử dụng ở đó nên biết có nguy hiểm hay không. Nếu thấy nguy hiểm thì đề nghị cơ quan chức năng “khám bệnh” cho ngôi nhà. Còn người ở ngoài thì khó mà biết được song có trường hợp bằng cảm quan, cơ quan nhà nước thấy nhà chung cư nguy hiểm và dù người dân chưa đồng thuận thì cơ quan nhà nước vẫn tổ chức kiểm định. Sau đó, nếu thấy nhà rất nguy hiểm thì buộc người dân phải sơ tán ngay” - ông Tú nói.
Tuy vậy, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, cho rằng vừa qua thành phố xếp hạng các biệt thự Pháp, trong đó đã xác định các tiêu chí về thực trạng. Tuy nhiên, Hà Nội chậm thực hiện. “Theo tôi, khi đã có tiêu chí rồi thì lập hồ sơ danh mục và có giải pháp duy tu bảo dưỡng vì đã hết niên hạn sử dụng, có cơ chế phù hợp để xã hội hóa”.
Bốn nạn nhân qua cơn nguy kịch Ngày 23-9, sức khỏe của bốn bệnh nhân đang điều trị tại BV Việt Đức và BV Bạch Mai đã qua cơn nguy kịch. Trong đó, bà Nguyễn Thị Tiêu (64 tuổi) bị gãy xương bàn chân và xương đòn vẫn còn yếu. Chị Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi) đã ổn định hơn. Theo bà Tiêu, đêm 22-9 bà không tài nào chợp mắt được vì mỗi khi nhắm mắt lại là hình ảnh bức tường đổ sập và tưởng tượng cảnh mình bị vùi sâu trong đống đổ nát lại hiện lên. “Nó ám ảnh mãi trong đầu. Khi tòa nhà sập xuống, tôi đang đứng ở đầu ngõ chỉ nghe tiếng ầm ầm rồi một khối đất đá đè lên người. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết” - bà Tiêu nói. Ngày 23- 9, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng di chuyển các hộ dân trong khu vực nguy hiểm và không để công trình tiếp tục sập đổ. Sở Xây dựng được giao bố trí tạm cư cho 16 hộ dân (với 61 người) bị ảnh hưởng. TP cũng giao Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội xác định nguyên nhân sự cố, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công trình và các công trình liền kề. |