Ông Dung nói: Đối với căn nhà này, mục đích duy nhất là giữ lại cảnh quan, kiến trúc cũ. Tức việc bảo tồn chỉ nên thực hiện ở chỗ giữ nguyên hình thức kiến trúc. Căn nhà vẫn có thể xây mới nhưng “sao y bản chính”. Cách này vẫn gọi là trùng tu. Bảo tồn không có nghĩa là phải giữ nguyên những viên gạch mục.
Nếu làm như vậy thì làm gì có chuyện đáng tiếc xảy ra như trên. Qua chuyện này cần xác định mục tiêu bảo tồn cho rõ. Ví dụ, nhà ở phố cổ thì cần bảo tồn mặt đứng, mái ngói. Nếu nhà đó dùng để tham quan thì cần bảo tồn toàn bộ.
. Ông có đánh giá như thế nào về cách bảo tồn những ngôi nhà có giá trị mà ta vẫn đang làm?
+ Việc nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sụp đổ là mất mát quá lớn. Nhưng từ đây chúng ta phải nhìn nhận để việc bảo tồn phải có lợi và người dân phải có lợi. Cách bảo tồn hiện nay có hại nhiều hơn là có lợi.
Theo đó, tình trạng nhiều người dân, hộ gia đình ăn ở, sinh hoạt trong không gian chật chội, không đủ điều kiện vệ sinh… đang diễn ra ở nhiều ngôi nhà cần bảo tồn. Bản chất của bảo tồn là phải phát huy được cái lợi chứ làm giảm giá trị cuộc sống và nhiều thứ khác, thậm chí là mất cả tính mạng con người là không nên. Điều này báo chí đã nêu nhiều nhưng những người làm công tác quản lý vẫn chưa có động thái hữu hiệu.
Ngoài ra, chính sách bảo tồn đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước, thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể không rõ ràng, còn nhiều bất cập. Bộ Văn hóa-Thông tin cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng lại chính sách để vừa đáp ứng được việc bảo tồn và đáp ứng nhu cầu của người dân.