Sử dụng ảnh người khác không xin phép, được không?

So với dự thảo BLDS (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân hồi tháng 1-2015 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 tháng 5-2015, Dự thảo BLDS (sửa đổi) mới nhất đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, trong đó có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Hai trường hợp không cần xin phép

Cụ thể, khoản 1 Điều 32 dự thảo quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Việc sử dụng hình ảnh của người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Việc sử dụng hình ảnh của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Đặc biệt, theo khoản 2 điều này, các trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần có sự đồng ý của người đó hoặc cha, mẹ, người giám hộ, vợ, chồng, con thành niên bao gồm: Thứ nhất là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Thứ hai là hình ảnh từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác mà không tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Cần cụ thể hơn nữa

Theo tôi, dự thảo BLDS (sửa đổi) cần phải giải quyết thêm những vướng mắc về quyền hình ảnh đã phát sinh trong thực tiễn thi hành BLDS, BLTTDS, BLTTHS, Luật Báo chí cho phù hợp với Hiến pháp 2013.

Chẳng hạn cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức khác có quyền tự ý sử dụng hình ảnh của người vi phạm hành chính, người bị bắt, bị tình nghi phạm tội, bị cáo, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa? Có được tự ý sử dụng ảnh đương sự trong phiên tòa dân sự, lao động, hành chính, kinh tế, hôn nhân gia đình? Có được tự ý sử dụng ảnh của người dân theo dõi phiên tòa, của thân nhân bị cáo, người nhà đương sự… tại phiên tòa?

Thực tiễn cho thấy do thiếu quy định rõ ràng, thống nhất nên ngay ở phiên tòa hình sự cũng có sự phân biệt: Trong các vụ án mà bị cáo là “thường dân” thì các PV được tòa cho phép chụp ảnh bị cáo mà không yêu cầu xin phép bị cáo (dĩ nhiên sau đó báo chí thoải mái sử dụng đăng báo). Nhưng trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp thì các PV thường bị tòa cấm cản, yêu cầu muốn chụp, muốn sử dụng ảnh thì phải xin ý kiến của bị cáo.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị dự thảo bổ sung trường hợp sử dụng ảnh không cần phải xin phép là đăng ảnh của người bị truy nã vì phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phạm trong thực tế hiện nay.

Một số vụ tranh chấp về quyền hình ảnh

- Năm 2011, cô HTTT kiện một nhiếp ảnh gia cùng một số tờ báo vì đăng ảnh cô mà không xin phép. Tuy nhiên, sau đó cô T. đã lên tòa rút đơn khởi kiện.

Theo hồ sơ, năm 2003, cô T. làm mẫu cho một nhiếp ảnh gia chụp ảnh quảng bá sản phẩm quê hương. Trong số đó, tấm ảnh cô đội nón lá trong vườn bưởi cười tươi đã đăng trên báo xuân năm 2004. Bức ảnh này còn được đăng trên một số báo. Năm 2009, cô T. phát hiện tấm ảnh này được đăng trên nhiều báo in, báo mạng, lịch treo tường và cả logo quảng bá bưởi, dịch vụ tiện ích điện thoại…, thậm chí có video clip chín phút quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của nước ngoài và phát trên nhiều quốc gia mà không thông qua ý kiến của cô. Cho rằng việc này đã ảnh hưởng đến cuộc sống, xâm phạm quyền lợi cá nhân, cô T. kiện yêu cầu các đơn vị đã dùng ảnh không được đăng tiếp và phải liên đới với nhà nhiếp ảnh bồi thường 200 triệu đồng…

- Cùng năm 2011, một ca sĩ đã kiện một spa đòi bồi thường 20.000 USD vì dùng hình ảnh anh thuê chụp (phục vụ một album chưa phát hành) quảng cáo mà không xin phép. Ảnh của anh xuất hiện trên một số tờ rơi được phát trên đường để quảng cáo cho spa. Ngoài ra, spa còn in ảnh của anh thành poster lớn dựng ngay cổng ra vào.

Chủ spa thì nói là bạn của người chụp ảnh cho ca sĩ. Chủ spa đã mua lại bức ảnh trên với giá 20 triệu đồng để làm quảng cáo. Trước yêu cầu của ca sĩ, spa chỉ gỡ poster có hình ảnh ca sĩ xuống nhưng không đồng ý bồi thường vì đã trả tiền cho người chụp ảnh...

Lấy Hiến pháp, BLDS làm gốc

Về nguyên tắc, Hiến pháp và BLDS vẫn là những văn bản pháp luật quan trọng nhất để bảo vệ quyền nhân thân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Các luật khác không được quy định khác BLDS. Do đó, cần bỏ cụm từ “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” tại đoạn cuối của khoản 1 Điều 32 dự thảo.

Ngoài ra, luật cũng cần có giải thích rõ khái niệm về “ảnh cá nhân”, “lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”, “hình thức sinh hoạt cộng đồng khác” để dễ áp dụng, tránh gây ra những cách hiểu khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều