Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang trong một lần tiếp nhận quà của nhà hảo tâm tại chùa Bồ Đề.
Ngày 2.8, CA Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với người quản lý khu nuôi trẻ mồ côi chùa Bồ Đề để điều tra hành vi mua bán trẻ em. Trong khi đó, trụ trì chùa Bồ Đề vẫn khẳng định: Đó là sai phạm của cá nhân, nhà chùa không hề hay biết?
Chùa Bồ Đề bỏ rơi sự sống?
Theo bức thư chia sẻ của chủ nhân facebook tên Thỏ Bun - người đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ cho em bé - được đăng tải ngày 12.7, em bé được sinh ra, sau đó được chính mẹ đẻ để lại nơi cửa Phật. Tuy nhiên, sau khi các sư ở chùa Bồ Đề nhận nuôi bé được vài ngày thì phát hiện bé bị thoát vị não và hẹp hộp sọ, người trong chùa đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương rồi bỏ lại đây.
Nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bé đã vượt qua ca mổ khó khăn để giành giật sự sống. Đáng nói, khi em bé vừa khỏe mạnh thì những vị sư “vô tâm” bất ngờ trở lại đòi đưa đứa trẻ về chùa. “Họ nói lúc con được đặt trước cửa chùa, sư trụ trì đang đi công tác nước ngoài, nên không nắm rõ được sự việc, giờ sư trụ trì về thì muốn đón con về”, Nickname Thỏ Bun cho biết.
Một điều dưỡng viên (giấu tên) tham gia ca điều trị, chăm sóc bé Kiều Hương Anh cũng xác nhận với PV thông tin trên, đặc biệt là những thông tin liên quan đến ca điều trị của bé Hương Anh. Bé được người trong chùa đưa đến trong tình trạng “thập tử nhất sinh” và không có chi phí để điều trị, phải nhờ đến các nhà hảo tâm giúp đỡ, cháu bé mới qua được cơn nguy kịch như hiện nay”, nữ nhân viên xác nhận. Tuy nhiên, theo nữ nhân viên này, chỉ ít ngày sau ca điều trị thành công, họ đến, bảo là người của nhà chùa và đòi mang cháu đi. Khi bị ngăn cản, họ mới chịu rời đi và có những lời lẽ không hay.
Sau khi thông tin được đăng tải, lập tức trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, những chia sẻ về chùa Bồ Đề với nghi án nhà chùa tiếp tay, cho nhận con nuôi để thu lợi hàng chục triệu đồng đã liên tục dậy sóng. Bạn Nguyễn Thùy Trang (Hà Nội) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên, chùa Bồ Đề để lại tiếng xấu, mà đây chính là thực trạng đang diễn ra tại chùa. “Mình từng tham gia nhiều đoàn tình nguyện tại chùa và không ít lần, mình chứng kiến cảnh các “bà mẹ” đánh đập trẻ trong chùa không thương tiếc. Cho bánh, kẹo, các bà sẽ giành cả, còn trẻ phải nhịn thèm”, Trang chia sẻ.
Theo tiến sĩ Triệu Thế Việt - nhà nghiên cứu về Phật học, giảng viên trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), đây không phải là lần đầu anh được nghe thông tin xấu về những người khoác áo phật, đặc biệt, đây lại là chùa Bồ Đề nổi tiếng với những việc làm nhân ái. “Tôi thực sự mong muốn mỗi chúng ta hãy nói không với cái xấu, để những nơi tôn nghiêm như đền, chùa sẽ thực sự là nơi để những người có tâm yên tâm cống hiến, yên tâm làm điều thiện. Để chữ Thiện không trở thành nơi trục lợi, trục danh của những người “khẩu phật tâm xà”, tiến sĩ Việt chia sẻ.
“Cháy nhà ra… tội phạm”
Những ngày sau đó, PV đã liên hệ với chùa Bồ Đề để làm rõ thông tin sự việc. Sau khi nghe phản ánh, sư trụ trì Thích Đàm Lan đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên. “Khi tiếp nhận các bé vào chùa, nhà chùa đều mời cơ quan chức năng tới và chụp ảnh lưu lại, nên không có chuyện bé được đưa nhận vào chùa mà thầy không biết”, sư Lan cho biết. Sư Lan cũng khẳng định, càng không có chuyện nhà chùa cho con nuôi và thu công quả hàng chục triệu đồng như một số thông tin đã đưa. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường Bồ Đề cho rằng, dù chùa nằm trên địa bàn phường, nhưng chính quyền rất ít khi can thiệp vào hoạt động của chùa. “Chúng tôi tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân cũng như nhà chùa, chính quyền chỉ can thiệp, khi có hiện tượng mất trật tự trị an”, ông Quang cho biết.
Trước những nguồn tin phản ánh, đặc biệt là từ những bức xúc của dư luận xã hội, cuối tháng 7 vừa qua, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo công an cùng các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác minh tin đồn mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề. Ngày 2.8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi), người quản lý khu nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, ở Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em. Lệnh bắt khẩn cấp được thực hiện liên quan đến các đối tượng tham gia đường dây mua bán bé Cù Nguyên Công với giá 35 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2013, anh Nguyễn Thành Long (quận Long Biên) tham gia từ thiện tại chùa Bồ Đề và quen Trang. Cuối tháng 10.2013, vợ chồng anh Long nhận đỡ đầu và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Để có điều kiện chăm sóc Công, vợ chồng anh Long thường đưa đón cháu về nhà chăm sóc vài ngày rồi lại đưa sang chùa Bồ Đề. Cuối tháng 12.2013, Trang bất ngờ gọi điện cho vợ chồng anh Long nói, sắp có đoàn kiểm tra đến nên phải đưa bé Công về chùa Bồ Đề ngay. Ngày 4.1, vợ chồng anh Long vào chùa đón Công đi khám bệnh thì biết bé không còn ở chùa. Trang giải thích, mẹ cháu bé đã đón Công về nhà. Nghi ngờ lời giải thích này, vợ chồng anh Long đã tìm hiểu và có thông tin bé Công bị bán với giá 35 triệu đồng. Ngay sau đó, anh Long đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xác minh.
Tại cơ quan, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang trông tiều tụy, già hơn so với cái tuổi 36 và thời điểm chúng tôi gặp Trang vào dịp tết vừa qua. Khi được PV cho biết trụ trì Thích Đàm Lan vẫn phủ nhận có liên quan đến sự việc, Trang òa khóc nghẹn ngào: “Sao sư thầy lại làm vậy với tôi, con tôi còn ở đó, số phận chúng sẽ ra sao?”.
Sau khi cơ quan điều tra chính thức lên tiếng, sự thật khủng khiếp về chùa Bồ Đề - nơi được coi là cửa phật dung nạp và nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ mồ côi, tàn tật đã được hé lộ và rằng ở đây có thể có một đường dây buôn bán trẻ em.
Còn bao nhiêu đứa trẻ vô tội trở thành món hàng?
Trở lại chùa Bồ Đề trong những ngày dư luận xôn xao với nghi án, ngôi chùa vắng hẳn khách. Trong căn phòng nhỏ thó chừng 10m2, có tới hơn chục đứa trẻ, đứa nào đứa nấy đều gầy gò, nheo nhóc. Hiện nhà chùa đang chăm sóc trên 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già cô đơn không nơi nương tựa. Trong số đó, có trên 20 trẻ bị bệnh. Có những trẻ bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, như cháu Tâm Anh bị mắc bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh - một loại bệnh hiếm gặp trên thế giới và khả năng chữa trị không cao. Cơ thể em tự nổi nước và vỡ ra như người bị bỏng. Do bệnh tình không thể cứu chữa, em bị gia đình bỏ lại tại chân cầu Vĩnh Tuy. Hoặc bé Thanh Hải bị mắc bệnh tim bẩm sinh...
Trong khi người phụ trách trực tiếp việc quản lý trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề đang bị điều tra, thì vị sư trụ trì chùa Bồ Đề vẫn một mực nói rằng: “Mong cơ quan điều tra làm rõ sự việc, trả lại danh tiếng cho nhà chùa bị một số cá nhân lợi dụng làm xấu”. Thực hư sự việc ra sao, ai là người đứng đằng sau vụ việc, còn bao nhiêu đứa trẻ đã và đang là nạn nhân của tội ác này? Số phận của những đứa trẻ tại chùa sẽ được định đoạt ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. |
Theo BÌNH MINH - PHÚ TRẦN (LĐĐS)