BLTTHS hiện hành quy định chỉ cơ quan tố tụng (CQĐT, VKSND, tòa án) mới có quyền thu thập chứng cứ theo trình tự, thủ tục luật định. Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án với cơ quan tố tụng. Trong đó, luật sư với tư cách người bào chữa cũng chỉ được đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án để qua đó bào chữa hay gỡ tội cho thân chủ. Còn việc có công nhận tài liệu, đồ vật đó có phải là chứng cứ hay không, đánh giá ra sao… là quyền của cơ quan tố tụng.
Thực tiễn xét xử đã cho thấy rất khó buộc CQĐT, VKSND xem xét, đánh giá một cách khách quan tài liệu, đồ vật mà người tham gia tố tụng, người bào chữa đưa ra để gỡ tội cho nghi can. Bởi lẽ điều này cũng đồng nghĩa với việc CQĐT, VKSND “chống lại mình” và chấp nhận gánh chịu nguy cơ phải bồi thường oan (nếu có). Còn với tòa, không ít trường hợp vẫn đứng về phía CQĐT, VKSND nên bỏ qua, không xem xét, công nhận tài liệu, đồ vật do người bào chữa đưa ra hoặc có thấy “lấn cấn” quá thì thay vì tuyên bị cáo vô tội, tòa lại tuyên trả hồ sơ để CQĐT, VKSND “tự khắc phục”.
Theo tôi, trong đợt sửa đổi BLTTHS này cần phải có quy định theo hướng cho người bào chữa được quyền thu thập chứng cứ gỡ tội một cách độc lập theo đúng thủ tục, trình tự mà pháp luật quy định song song với hoạt động thu thập chứng cứ buộc tội của CQĐT, VKSND. Quan trọng nhất là nên quy định rõ chỉ có TAND mà cụ thể là hội đồng xét xử mới có quyền đánh giá chứng cứ của bên buộc tội và bên gỡ tội khi xét xử. Mặt khác, cần bỏ hẳn quy định tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu đủ căn cứ buộc tội thì tòa tuyên bị cáo có tội và kết án, còn nếu không đủ chứng cứ buộc tội thì tuyên không có tội và trả tự do ngay cho bị cáo tại tòa.
Công lý và quyền công dân chỉ được bảo đảm, tôn trọng nếu tính độc lập của các cơ quan tố tụng, của người bào chữa trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự được đề cao và tôn trọng.