Việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn vốn là nguyên nhân gây tham nhũng, khiếu kiện, cũng như xuất hiện các điểm nóng Văn Giang, Tiên Lãng… Tuy nhiên, với những quy định được đề cập một cách chung chung trong dự thảo, trong buổi họp sáng 17-9, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH lo ngại rằng sửa luật xong có khi khiếu kiện lại tăng hơn trước.
Giá nào là giá thị trường?
Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, giá đất của Nhà nước được xác định là sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Căn cứ vào đó, hằng năm các địa phương công bố bảng giá đất và lấy đó làm cơ sở để bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, do mức giá này thường thấp hơn rất nhiều lần so với giá mua bán, chuyển nhượng trên thực tế dẫn đến người dân không đồng tình, khiếu kiện đòi quyền lợi.
Để giải quyết vấn đề trên, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định “sát giá thị trường” thành “phù hợp với giá thị trường”. Đồng thời, bỏ quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố vào ngày 1-1 hằng năm trong luật hiện hành. Ngoài ra cũng đề xuất giao cho Chính phủ quy định phương pháp định giá đất ở một văn bản khác.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Không hài lòng với quy định chung chung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An Ninh Nguyễn Kim Khoa và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cùng cho rằng giá đất là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của dự thảo Luật Đất đai. Giải quyết được câu chuyện này thì các quy định khác của Luật Đất đai sẽ được xử lý dễ dàng và thuận lợi. Do đó nếu chỉ sửa từ “sát” thành “phù hợp giá thị trường” thì không hợp lý, không giải quyết được những bất cập.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý không thể chỉ nói một câu trong luật là “phù hợp với giá thị trường”, vì như thế rất mơ hồ. “Nếu đúng là thị trường, nếu tôi đang sử dụng đất trồng lúa, được giao 50 năm thì anh phải tính trong 50 năm ấy tôi thu được bao nhiêu lúa, tức thu nhập của tôi trong 50 năm ấy, đó mới là giá thị trường. Nhưng cũng là đất này mà năm sau anh thu hồi để làm đô thị, làm nhà máy xung quanh thì giá đất nó khác rồi, lúc này lại không thể tính theo giá trồng lúa được mà phải tính giá khác cho người dân” - ông nói.
Quyết giá lúc nào để dân không thiệt?
Đây là vấn đề được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt quan tâm và đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ. Bởi theo ông Hùng, nguyên tắc định giá là theo giá của thị trường nhưng là thị trường vào thời điểm nào mới là vấn đề quan trọng. “Có rất nhiều loại như thị trường lúc định giá (Nhà nước định giá trên sổ sách), thị trường lúc thu hồi, thị trường tính trên quy hoạch sử dụng đất, thị trường khi xây dựng dự án… Vậy sẽ căn cứ vào thị trường nào để định giá đất?” - ông đặt câu hỏi.
Theo chủ tịch QH, thực tế lâu nay, khi có quy hoạch sử dụng đất, thông thường các cấp ngành, địa phương sẽ tiến hành thu hồi đất và áp giá bồi thường tại thời điểm đó. “Nhưng khi đó thì chưa thể có giá thị trường, vì quy hoạch sử dụng đất mới chỉ nói đại thể. Chỉ khi nào có quy hoạch xây dựng, có khu đô thị… thì lúc đó thị trường về giá đất mới hình thành. Vậy phải trả cho dân theo giá thị trường thời điểm đó, hay trả theo giá trên giấy?” - ông băn khoăn.
Ông Hùng dẫn chứng thêm: Giả sử giá đất khi mới bắt đầu có quy hoạch chung chỉ ở mức 1 triệu đồng/m2. Nhưng khi bắt đầu bổ sung quy hoạch chi tiết, với việc xây một con đường, một khu đô thị… đưa ra đấu giá thì từ 1 triệu đã nâng lên thành 5 triệu đồng/m2. “Như vậy, giá thị trường nên tính ở thời điểm nào thì phù hợp và đảm bảo các quyền lợi cho người dân, Nhà nước và doanh nghiệp? Theo tôi, ở trường hợp này thì 5 triệu đồng/m2 mới là giá thị trường”.
Từ các dẫn chứng trên, ông Hùng cho rằng vấn đề cần phải nghiên cứu đưa vào trong luật là thu hồi đất theo quy hoạch, trong đó nhất định không cho phép việc thu hồi theo kế hoạch sử dụng đất mà phải theo quy hoạch sử dụng đất chi tiết. “Nguyên tắc hình thành giá trong dự thảo luật chưa rõ, chỉ nói mơ hồ là thị trường. Khi chưa có giá thị trường thì phù hợp cái gì? Thời điểm thu hồi và căn cứ thu hồi thì phải làm rõ. Nguyên tắc mơ hồ, lần này phải đổi mới. Phải tính tới tính khả thi, làm được mới ban hành luật” - chủ tịch QH nhấn mạnh.
Luật phải quy định cách tính giá đất Phương pháp tính giá đất phù hợp với thị trường là điều quan trọng nhất của Luật Đất đai, được đồng bào, cử tri quan tâm. Bởi nếu cách tính giá đất mà không hợp lý thì sẽ là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đất đai nhiều. Vậy tại sao Chính phủ không đề xuất đưa ngay vào trong luật mà lại đợi quy định sau? Tôi đề nghị cần phải quy định ngay vào trong luật để QH thảo luận và thông qua. ÔngPHÙNG QUỐC HIỂN, Không để người mất đất chịu thiệt Hiện nông dân rất bất bình về việc giữa giá bồi thường thu hồi đất do Nhà nước quy định và giá của nhà đầu tư sau khi thu hồi đất bán lại chênh nhau rất lớn. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ít nhưng bán giá rất cao; còn nông dân đầu tư lớn để cải tạo đất đai thì thu được chẳng bao nhiêu, rất thiệt thòi. Đây là vấn đề rất lớn, tạo những mâu thuẫn lớn nhất. Nếu dự án luật chưa thể trả lời những câu hỏi này thì cần nghiên cứu kỹ hơn và quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời, cũng phải giải đáp được câu hỏi, vì sao giá đất ở Việt Nam lại đắt vào loại nhất thế giới. BàNGUYỄN THỊ NƯƠNG, Trưởng ban Công tác các đại biểu Lập cơ quan tài phán hành chính riêng về đất đai Đối với đất đai, cần có các quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp và khiếu nại riêng. Đề nghị cần thành lập cơ quan tài phán hành chính về đất đai. Tranh chấp đất đai nếu hòa giải không thành thì đưa ra tòa án vì đây là tranh chấp dân sự. Khiếu nại lần một do cơ quan hành chính giải quyết, lần hai ra tòa hành chính chứ không để lựa chọn hoặc tòa hành chính hoặc cơ quan hành chính cấp trên rất phức tạp, xu hướng người dân đi theo con đường hành chính lên tận Thanh tra Chính phủ. (Trích Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi của Ủy ban Kinh tế) |
THÀNH VĂN