Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Bài thơ Kêu gọi thiếu nhi của Bác Hồ ra đời ngày 21-9-1941. Ham muốn tột bậc của Bác Hồ từ 75 năm trước tiếp tục được hiện thực hóa trên bình diện nhân văn. Tiểu học là bậc học cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản, sơ giản để các em tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở; học sinh cần được vui chơi, được bảo vệ tuổi thơ theo đúng nghĩa đen của từ này. Thông tư 30 ra đời đã giảm thiểu những lo âu, ngăn chặn những cuộc chạy đua bở hơi tai không cần thiết do người lớn “phát động”.
Vậy mà từ phía xã hội và gia đình, những làn gió ngược vẫn thổi. Vì sao?
Giáo viên đang ngóng trông Thông tư 30 sẽ được sửa đổi như thế nào.
Bài học muôn thuở: Không đồng bộ!
Nhìn ở góc độ lý luận, sự ra đời của TT 30/2014 là cả một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, tính toàn diện - tiêu chí hàng đầu của bất kỳ cuộc cách mạng nào - chưa được đảm bảo.
Lẽ ra, việc chuyển đổi từ đánh giá bằng điểm số sang bằng nhận xét phải được tiến hành sau hoặc song song với sự thay đổi chương trình. Thế nhưng Chương trình phổ thông tổng thể - với triết lý dạy ít đi để học sinh học được nhiều - đến năm 2018 mới chính thức áp dụng theo phương thức cuốn chiếu. Còn hiện nay, nhà trường phổ thông vẫn thực hiện chương trình cải cách giáo dục lần IV (năm 2000) vốn vẫn được xem là còn nhồi nhét, nặng về truyền thụ kiến thức, coi nhẹ tiếp cận năng lực. Nghĩa là chương trình dạy học rất nặng, giờ thêm yêu cầu nhận xét từng học sinh thì quả là quá tải đối với người thầy.
Dễ hiểu vì sao cuốn Sổ theo dõi chất lượng giáo dục trở thành nỗi ám ảnh của giáo viên tiểu học. Không ít giáo viên tiểu học cho rằng giảng dạy không ngán nhưng hễ nghĩ đến việc ghi nhận xét vào sổ là phát ngấy. Nhiều lần Bộ giải thích đây chỉ là mẫu sổ “gợi ý”, “không bắt buộc”. Dù không theo mẫu sổ này thì các trường vẫn sử dụng một mẫu sổ nào đó có cấu trúc tương tự vì nếu không có thì trường học quản lý bằng cách nào?! Ngay cả dùng sổ điện tử thì thời gian cũng không được tiết kiệm là bao.
Mặt khác, bản thân TT 30/2014 cũng là một “ngày vui dang dở” khi Bộ GD&ĐT vẫn duy trì chấm điểm đối với bài kiểm tra định kỳ. Như vậy là chưa triệt để. Có thể có người cho đây là một bước chuyển để tiến tới bỏ luôn việc chấm điểm. Mặt được của việc chấm điểm bài kiểm tra định kỳ là "không dùng để xếp loại học sinh hay so sánh học sinh này với học sinh khác” mà là để “kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kỳ, trong năm học” (Công văn số 7475/BGDĐT-GDTH ngày 25/12/2014 của Bộ GD&ĐT). Nhưng một vấn đề đặt ra: Dùng điểm số cuối kỳ, cuối năm học để trắc đạt lại, thẩm định việc đánh giá cả quá trình chứng tỏ hình thức đánh giá bằng nhận xét có gì đó chưa ổn.
Những ngổn ngang khác
Về nguyên tắc đánh giá, khoản 3 Điều 4 của TT 30 quy định: “Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”. Như vậy, dù đánh giá của giáo viên đóng vai trò then chốt nhưng học sinh và xã hội đã trở thành những chủ thể đánh giá, trong đó việc đánh giá “sự tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình” và “khen thưởng” có sự tham gia sâu của học sinh.
Ai cũng thấy quán tính của sức ỳ, nếp nghĩ, hành vi không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Ai đảm bảo ở độ tuổi tiểu học, học sinh tự giác đánh giá bản thân mình, tham gia đánh giá bạn một cách chính xác? Làm thế nào và có bao nhiêu phụ huynh tham gia đánh giá con em mình? Khâu tuyên truyền, vận động giao cho giáo viên và nhà trường nhưng đâu là cơ chế để xã hội tham gia? Trong một năm học, phụ huynh gặp giáo viên khoảng ba lần; những trao đổi qua điện thoại liệu có đủ thông tin tối thiểu, chưa nói thông tin trong giáo dục phải là thông tin khả tín theo yêu cầu nghiêm ngặt của khoa học sư phạm, giáo dục? Đây là khâu đáng lo nhất của TT 30/2014.
Nếu không tạo ra đầy đủ cơ chế, cách thức, nội dung này sẽ có nguy rơi vào hô khẩu hiệu, đánh trống bỏ dùi, hình thức, giống như một số trường chưa hội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn “mạnh dạn” áp dụng mô hình trường học mới (VNEN).
Mặt khác, cho dù giáo dục có thay đổi đến đâu thì phân hóa vẫn là một nguyên tắc của dạy học. Để tác động một cách phù hợp đến từng đối tượng, vực dậy những em yếu, kém. Để tạo điều kiện cho những em khá, giỏi đi xa hơn. Mặt thứ hai này của dạy học phân hóa chính là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện đánh giá bằng nhận xét không triệt tiêu nhưng sẽ làm giảm hứng thú của những học sinh giỏi muốn vươn lên một cách chính đáng.
Vẫn biết việc đánh giá bằng nhận xét được áp dụng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào vào bối cảnh Việt Nam còn phải tùy vào “tì vị” của văn hóa dân tộc, nhất là tâm lý học để có bằng cấp chiếm thế thượng phong so với học để làm là một hiện thực đã bắt rễ trong thâm căn cố đế suy nghĩ từ bao đời, một thứ vô thức tập thể đầy “uy lực”. Vì vậy, cái mới nào cũng cần đi vào cuộc sống có lộ trình phù hợp để tránh dục tốc bất đạt.
Thông tư đang được khẩn trương triển khai lấy ý kiến để sửa đổi. Hơn một năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 sẽ chính thức áp dụng. Mọi chuyện đan cài đến rối mắt.
Dù gì, trong năm học 2016-2017 này, phải có công cụ pháp lý đế đánh giá học sinh. "Bữa tiệc" với nhiều hứa hẹn về đổi mới giáo dục đang bày ra, những người trong ngành sẽ dùng “bình” nào, “rượu” nào trong những ngày tới? Trong đó, qua dư luận, nghe có “món” quen quen: Định ra ba loại A, B, C gì đó.