Sửa Luật BHXH: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

(PLO)-  Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) thể chế hóa mục tiêu về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban soạn thảo Luật BHXH vừa thông báo kết luận của ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban soạn thảo, về định hướng sửa Luật BHXH. Trong đó yêu cầu đơn vị soạn thảo cần hoàn thiện dự thảo luật trước khi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động.

Hoàn thiện dự thảo trước khi lấy ý kiến

Về nội dung luật, ông Hoan đề nghị thể chế hóa mục tiêu xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thông qua bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định việc liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản. Có sự kết hợp giữa chi trả từ quỹ BHXH và đảm bảo hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Qua đó, ban soạn thảo thống nhất đề xuất việc thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước do các địa phương thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi. Trợ cấp hằng tháng (liên kết tầng) từ quỹ BHXH do cơ quan BHXH thực hiện.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) thể chế hóa mục tiêu về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) thể chế hóa mục tiêu về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Dự kiến cuối năm 2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) để Chính phủ hoàn thiện dự luật. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2024, Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật BHXH và có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Cùng với đó, còn nhiều ý kiến về nội dung BHXH một lần. Ông Hoan yêu cầu thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH căn cứ cơ sở xác định chi phí quản lý BHXH (trên số thu hay tổng số thu, chi), thống nhất với đề xuất của tổ biên tập thiết kế các phương án gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động. Về các nội dung liên quan đến đầu tư quỹ BHXH, bảo hiểm hưu trí bổ sung, ông Hoan đề nghị thành viên ban soạn thảo thuộc Bộ Tài chính quan tâm, đôn đốc sớm có nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật BHXH.

Các thành viên ban soạn thảo căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan mình chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu, chủ động triển khai các hoạt động hội nghị, hội thảo, khảo sát... tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu tác động thuộc lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, các vấn đề mới, phức tạp như bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc (chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã), các biện pháp nhằm khắc phục xử lý trốn đóng BHXH, BHXH một lần, chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc...

Tạo liên kết, hỗ trợ giữa các tầng

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Luật BHXH (sửa đổi) lần này đáng chú ý nhất là thiết kế hệ thống BHXH đa tầng gồm: Tầng trợ cấp hưu trí xã hội (đang được quy định ở Luật Người cao tuổi với tên gọi là trợ cấp xã hội), BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Đối với tầng hưu trí xã hội, luật sẽ sửa theo hướng người lao động đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Theo quy định hiện hành, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội là 80 tuổi với mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng.

Đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong năm, toàn ngành đã giải quyết hơn 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. (Nguồn: BHXH Việt Nam)

“Chính sách này nhằm mục đích tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản. Qua đó, người lao động có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc hưởng ít nhất một trong các tầng của hệ thống BHXH” - ông Nam cho hay.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nghiên cứu tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện, vì hiện nay người tham gia BHXH mới chỉ có chính sách hưu trí…

“Quy định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 của trung ương về diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể là chúng ta phải phấn đấu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi…” - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH thông tin thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm