Sửa Nghị quyết 54: Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần lối đi riêng

(PLO)- Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần cơ chế ưu đãi ở tầm quốc gia với tầm nhìn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ chế hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) TP.HCM đang thu hút sự góp ý từ nhiều phía. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi Nghị quyết 54 nhằm tăng quyền tự chủ cho TP.HCM. Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, xung quanh những vấn đề chính của mô hình này.

Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần chiến lược dài hạn với từng nhiệm vụ cụ thể. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần chiến lược dài hạn với từng nhiệm vụ cụ thể. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Thu hút tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới

. Phóng viên: Ý tưởng xây dựng TTTCQT TP.HCM đang thu hút rất nhiều ý kiến khác nhau. Nếu cần nói thật ngắn gọn về việc này, ông có thể chia sẻ thế nào?

PGS.TS, ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
PGS.TS, ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh): Cần khẳng định trung ương còn muốn xây dựng TTTCQT TP.HCM hơn cả TP. Nhìn rộng ra, đó là khát vọng phát triển của cả đất nước. Đất nước từ lâu đặt kỳ vọng có một hệ thống ngân hàng thương mại hiện đại, uy tín, có định chế tài chính trung gian, có tất cả điều kiện nền tảng để phát triển. Vấn đề lớn nhất là do phát triển sau các trung tâm tài chính trên thế giới nên phải đặt ra những yêu cầu khắt khe và có lối đi riêng.

Đây là trung tâm tài chính quốc tế nên sẽ có nguồn thu lớn là phí trung gian. Giao dịch tại trung tâm phục vụ dòng chảy toàn cầu.

. Đề án TTTCQT TP.HCM đang được Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương góp ý xây dựng. Với ông, TTTCQT TP.HCM cần được xây dựng ra sao?

+ Việc xây dựng TTTCQT phụ thuộc vào hệ thống quy định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ KH&ĐT sẽ là đơn vị đầu mối kết hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước lập đề án xây dựng TTTCQT. Theo tôi, ba đơn vị này rất quan trọng trong việc xây dựng một đề án như vậy. TP.HCM và TP Đà Nẵng là những thành viên tích cực của đề án.

Hai dự án cho hai TP mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu. Tới đây, Bộ KH&ĐT sẽ có bước đi cụ thể hơn.

Cần xác định đây là TTTCQT của Việt Nam đặt tại TP.HCM, TP Đà Nẵng, chứ không phải trung tâm tài chính của TP.HCM. Đây là dự án ở tầm quốc gia chứ không phải tầm TP. Xác định như vậy để có những bước đi hợp lý.

Điều quan trọng nhất của TTTCQT không phải hình hài bên ngoài mà là cơ chế, chính sách, những ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính thế giới. Những ưu đãi này phải mang tầm quốc gia. Ví dụ, quyết định cho thuê đất bao nhiêu năm; miễn, giảm thuế như thế nào để những tập đoàn tài chính thuộc top 5, top 10 thế giới hay còn gọi là đại bàng tài chính tìm đến. Những đơn vị này được quá nhiều nước chào mời, vậy cơ chế ưu đãi phải mang tính cạnh tranh cao. Rồi đồng tiền phải tự do chuyển đổi, phải có những khu phi thuế quan; có những cổ phiếu được niêm yết bằng ngoại tệ, niêm yết chéo; có nhiều loại tiền tệ.

Phát triển dịch vụ đi kèm

. TTTCQT không chỉ là những tòa nhà lẻ loi mà cần có hệ thống hỗ trợ đồng bộ. Theo ông, cần phát triển những nền tảng gì?

+ Nước ta phát triển TTTCQT sau nhiều nước nên có những thuận lợi riêng, chủ động hơn trong việc xây dựng cơ chế hoạt động, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Hoạt động tài chính trên thế giới hiện nay bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính, hay còn gọi là fintech. Vì vậy, cần đầu tư cho công nghệ số, hạ tầng số. Ngoài hệ thống tài chính, cần phát triển những hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm. Đây là cơ hội để huy động đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực. Ví dụ, khi hình thành TTTCQT ở khu đô thị Thủ Thiêm, đồng thời huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng những trung tâm thương mại, dịch vụ tại đây đi kèm các trung tâm đô thị sinh thái, đô thị thông minh.

TTTCQT TP.HCM sẽ kết nối với trung tâm tài chính hiện nay ở quận 1. Trung tâm này mới mang tầm trong nước, chưa mang tầm quốc tế, giờ có thêm giao dịch quốc tế, nhà tài chính quốc tế và kết nối với thị trường nước ngoài thì sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Từ lâu, chúng ta mong muốn nâng cấp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM theo hướng nâng tỉ trọng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam.

. Mục đích quan trọng của TTTCQT là tạo ra nguồn vốn khổng lồ để phát triển đất nước. Ông có thể phân tích về triển vọng này?

+ Đây là TTTCQT nên sẽ có nguồn thu lớn là phí trung gian. Giao dịch tại trung tâm phục vụ dòng chảy toàn cầu. Cổ phiếu niêm yết không chỉ của công ty Việt Nam mà còn cả công ty quốc tế, niêm yết chéo. Có thể thấy Singapore là một nước nhỏ, dân số chỉ khoảng 5,5 triệu người nhưng rất thịnh vượng nhờ phát triển dịch vụ trung gian. Đó là dịch vụ cao cấp. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này.

. Xin cám ơn ông.•

Cần nhiều cú hích cho trung tâm tài chính quốc tế

Theo Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM, mô hình TTTCQT TP.HCM có ba cấu phần gồm: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.

Có ba giai đoạn xây dựng TTTCQT TP.HCM. Giai đoạn đầu từ năm 2021 đến 2025: Củng cố vị thế của TP.HCM là trung tâm tài chính quốc gia. Nâng cấp từ trung tâm tài chính thứ cấp thành một TTTCQT trong bảng xếp hạng Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu của GFCI trước năm 2025. Định hình được khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) nhằm thu hút các dịch vụ công nghệ tài chính và ngân hàng số gắn với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh. Từ năm 2026 đến 2030, tập trung phát triển thành trung tâm tài chính khu vực. Từ năm 2031 trở đi sẽ trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Đại diện Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng để có thể hình thành một TTTCQT tại TP.HCM, trước tiên cần có khung pháp lý để các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính hoàn chỉnh. Đây là những tổ chức kinh doanh nhiều dịch vụ tài chính từ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đến quản lý quỹ, chứng khoán.

Mặt khác, cần có chính sách để những ngân hàng số hoạt động độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào các ngân hàng truyền thống. Đây là những ngân hàng số hóa 100%, không có chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống. TTTCQT TP.HCM cũng cần nhiều cú hích khác như hình thành thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, tiến đến tự do hóa tài chính, tiền đồng được tự do chuyển đổi. Đó phải là một hệ sinh thái tài chính mở.

Theo đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, đề án của nhóm tư vấn do công ty tài trợ hướng đến phát triển trung tâm tài chính thế hệ mới tại TP.HCM. Ngoài việc phát triển dịch vụ tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, ngoại hối, công ty mong muốn được phép phát triển dịch vụ bổ trợ khác như du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, công viên giải trí, khách sạn, nhà hát, casino để tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. TTTCQT của Việt Nam phải có các yếu tố khác biệt mới cạnh tranh được với các trung tâm hiện hữu trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm