Bệnh nhân COVID-19 được tập phục hồi chức năng ngay khi đang thở máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

BS Calvin Q Trịnh, Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng 1A (TP.HCM), cho biết bệnh nhân nhập viện điều trị vì nhiễm COVID-19 thể nặng cần phải được chăm sóc phục hồi chức năng về thể chất và nhận thức ngay trong quá trình điều trị bệnh để hạn chế các tác động gây hại của virus lên cơ thể và tinh thần. Điều này cũng được CDC, WHO khuyến cáo và các BV khắp nơi trên thế giới áp dụng.

Việc điều trị phục hồi chức năng (PHCN) càng sớm thì kết quả càng tốt. Nhiều bệnh nhân sau COVID-19 có hệ cơ bao gồm nhóm cơ hô hấp sẽ tiếp tục bị yếu đi và cơ thể suy nhược trong một thời gian dài thậm chí vĩnh viễn và để lại di chứng tàn tật. 

“Đối với những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 thể nặng, khi được ngưng điều trị thở máy và rời phòng chăm sóc đặc biệt là một thành công lớn. Tuy nhiên, với số bệnh nhân này, việc phục hồi sau khi nhiễm virus chỉ mới bắt đầu. Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân đang hồi phục sau COVID-19 thể nặng gặp nhiều tác dụng phụ tiêu cực khác do virus gây ra, bao gồm một số các biến chứng rất phức tạp. Do đó, bệnh nhân cần phải được điều trị chăm sóc PHCN để đảm bảo sức khỏe được chăm sóc toàn diện” - BS Calvin Q Trịnh cho biết.

Bệnh nhân COVID-19 đang được kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu trên giường bệnh. Ảnh: CQ

Theo BS Calvin Q Trịnh, những bệnh nhân đang hồi phục sau COVID-19, đặc biệt là những trường hợp nặng cần điều trị chăm sóc phục hồi các chức năng bao gồm: suy giảm chức năng phổi, suy giảm thể chất và yếu cơ, mê sảng và các suy giảm nhận thức khác, suy giảm khả năng nuốt và giao tiếp, rối loạn sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội. Các chức năng này liên quan đến hậu quả của việc rối loạn thông khí do người bệnh phải nằm bất động kéo dài tại giường bệnh.  

Bệnh nhân lớn tuổi và những người có bệnh nền, cơ thể dễ còn bị tổn thương hơn do ảnh hưởng của bệnh nặng, việc PHCN có lợi cho việc duy trì các hoạt động độc lập cá nhân. Ngoài ra, việc điều trị PHCN tốt tạo điều kiện cho bệnh nhân xuất viện sớm, giúp bệnh nhân không xấu đi sau khi xuất viện và tái phát, điều này rất quan trọng trong bối cảnh thiếu giường bệnh.

Theo BS Hoàng Tường, đơn vị điều trị COVID-19 của BV, trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID ngay từ đầu, những bệnh nhân nặng, thở máy thì nên được kỹ thuật viên tập hỗ trợ tống xuất đàm nhớt, tập mạnh cơ hô hấp, tập xoay trở chống loét và vận động thụ động. Kết quả bệnh nhân cải thiện khả năng hít thở, giảm đàm nhớt đáng kể sau mỗi lần tập PHCN.

Tại BV Phục hồi chức năng 1A, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nặng đang điều trị đều đang được các kỹ thật viên PHCN chuyên môn cao tham gia tập PHCN trong tất cả các giai đoạn điều trị. Ngay cả giai đoạn bệnh nhân còn nằm thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt, các kỹ thuật viên PHCN đã tham gia hỗ trợ hô hấp cấp tính, can thiệp hỗ trợ cải thiện quá trình oxy hóa, bài tiết đường thở và ngăn ngừa viêm phổi do hít, đặc biệt là sau đặt nội khí quản hoặc ở những bệnh nhân được mở khí quản.

Ở giai đoạn sau khi được cho ngưng thở máy và chuyển sang điều trị nội trú tại BV, các kỹ thuật viên PHCN sẽ tiếp tục duy trì và cải thiện hoạt động của các chức năng đã nêu ở trên bằng các bài tập đặc thù tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân phục hồi sức khỏe sớm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm