Sáng 22-3, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức Chương trình tọa đàm Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, nhìn nhận COVID-19 đã trở thành một phần đời sống.
“Theo chủ trương và các Nghị quyết của Chính phủ, chúng ta phải sống linh hoạt thích ứng với COVID-19. TP.HCM đã trải qua một năm nhiều thiệt hại và đau thương do COVID-19, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng, việc giãn cách đã đảo lộn đời sống của chúng ta trong thời gian dài” - ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Đức Hiển phát biểu mở đầu buổi tọa đàm
Theo Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, với sự bao phủ vaccine hiện nay, tỉ lệ tử vong và di chứng nặng do COVID-19 gây ra đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từng ngày từng giờ Báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan truyền thông khác vẫn nhận được câu hỏi thắc mắc của đông đảo người dân về việc gặp phải và chữa trị các di chứng hậu COVID-19.
Các chuyên gia tham dự Tọa đàm "Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19" do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 22-3. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Nhiều người dân do lúng túng đã tự mình chữa trị các triệu chứng này theo kinh nghiệm hoặc mách nước từ người không có chuyên môn hoặc tự mua thuốc uống càng làm tình trạng thêm trầm trọng. Có người do quá sợ hãi các hội chứng hậu COVID đã cố thủ, thụ động trong các tương tác xã hội làm giảm chất lượng sống của mỗi người” - ông Hiển bày tỏ lo ngại và hi vọng tọa đàm Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19 sẽ tiếp tục cung cấp cho người dân hiểu và hành xử đúng khi gặp các hội chứng COVID-19, tự tin sinh hoạt và làm việc trong tình hình mới như chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Liên quan đến chính sách chăm sóc người bệnh hậu COVID-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tham dự tọa đàm trực tuyến, cho biết ngành y tế cũng như công luận rất quan tâm đến vấn đề hậu COVID-19.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê trao đổi trực tuyến tại tọa đàm "Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19".
Theo ông Khuê, về nguyên tắc, các bệnh bao giờ cũng trải qua các giai đoạn trước, trong và sau khi khỏi bệnh, thì hậu COVID-19 cũng thế.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng các cơ quan sau khi mắc COVID-19 cho người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc.
Bộ Y tế cũng giao cho Bệnh viện tâm thần Trung ương là bệnh viện đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu COVID-19 cho người dân.
Ông Khuê khẳng định người dân khi có triệu chứng hậu COVID-19 ở cơ quan nào thì khám tại chuyên khoa đó, không cần thành lập thêm bệnh viện hoặc khoa điều trị hậu COVID-19 riêng. Các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng sau khi mắc COVID-19 cho người dân và người dân vẫn được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thông thường.
Báo Pháp Luật TP.HCM cảm ơn các chuyên gia và nhà tài trợ tham gia Tọa đàm "Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19". Ảnh: NGUYỆT NHI
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã giúp giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến các hội chứng hậu COVID-19.
Trong đó, TS-BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có những trao đổi giải đáp các vấn đề người dân hay gặp phải sau khi mắc COVID-19 như: đau nhức xương khớp, ho khan kéo dài, rụng tóc, xơ phổi, lo ngại nhồi máu cơ tim...
TS-BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải đáp thắc mắc cho bạn đọc. Ảnh: NGUYỆT NHI
ThS-BS Nguyễn Văn Đàn - Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM đã có những giải thích cặn kẽ cho người dân về việc tìm đến các phương pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền như: xông hơi, uống thuốc chứa tử hà sa chữa cho, nuốt giun đất sống kèm vài hột muối giúp không bị tái nhiễm COVID-19, mua lá xuyên tâm liên chữa được hậu COVID-19…
ThS-BS Nguyễn Văn Đàn, Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM hướng dẫn cách làm dịu cơn ho. Ảnh: NGUYỆT NHI
Một vấn đề nhiều người gặp phải sau khi mắc COVID-19 là rối loạn tâm lý, hành vi, mất ngủ, sợ ánh sáng, ngại giao tiếp… cũng được ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy - Trưởng khoa tâm lý y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM giải đáp thỏa đáng.
ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy - Trưởng khoa tâm lý y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM giải đáp các vấn đề tâm thần hậu COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI
Liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc kháng virus, Dược sĩ Trần Quốc Phú - Đại diện nhà tài trợ - Công ty Cổ phần GONSA (đơn vị phân phối thuốc Monulpiravir 400mg của Stella) đã có những chia sẻ về việc có nên tiếp tục sử dụng thuốc Monulpiravir sau khi có kết quả âm tính, có nên sử dụng thuốc này cho người tái nhiễm COVID-19, khác biệt giữa các loại thuốc Monulpiravir trên thị trường.
Dược sĩ Trần Quốc Phú - Đại diện nhà tài trợ - Công ty Cổ phần GONSA chia sẻ về cách sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng của Báo Pháp Luật TP.HCM như: website PLO.VN, fangape, tiktok, youtube của Báo Pháp Luật TP.HCM. Bạn đọc có thể theo dõi lại tọa đàm tại các link sau: Kênh Youtbe Báo Pháp Luật TP.HCM: https://www.youtube.com/watch?v=ODbSMKfVhGw Website Báo Pháp Luật TP.HCM: Tọa đàm 'Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19' (plo.vn) Fangepage Báo Pháp Luật TP.HCM: Kênh Tiktok Báo Pháp Luật TP.HCM: |