Chuyện kể từ bác sĩ TP.HCM đi hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch

Nhận được điều động của ban lãnh đạo, ngày 19-10, BS CKII Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, làm trưởng đoàn cùng với chín bác sĩ, điều dưỡng khác của Bệnh viện (BV) Trưng Vương lên xe đến BV đa khoa khu vực Tân Châu (An Giang) làm việc.

Ngoài tham gia điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, đoàn còn có nhiệm vụ phổ biến kinh nghiệm điều trị cho các đồng nghiệp tại BV này.

Đoàn y bác sĩ BV Trưng Vương lên đường chi viện cho An Giang. Ảnh: BVCC

Niềm vui khi thấy bệnh nhân xuất viện

Đoàn y bác sĩ của BV Trưng Vương đến chi viện tại BV đa khoa khu vực Tân Châu. Tại đây, số ca F0 tại tỉnh liên tục tăng, 200-400 ca/ngày. Số ca bệnh nặng, nguy kịch liên tục được chuyển đến BV. Họ hầu hết là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, chưa được tiêm vaccine, nhiều người bệnh diễn tiến nặng nhanh. Đã có một số người tử vong vì không chiến thắng được sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

BS Hùng cho biết lúc này, hầu hết nhân viên y tế tại BV chưa có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng và chưa quen với việc mặc đồ bảo hộ kín mít khi làm việc. Cứ 1-2 giờ họ bị ngộp, không chịu được phải ra ngoài để thở. “Nhìn các đồng nghiệp của BV bạn, tôi cứ nhớ đến thời gian đầu mình tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Để mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn kín mít là rất khó. Mới đầu ai cũng thấy bức bối, khó chịu và bị mất nước” - BS Hùng nói.

Một cuộc họp giữa lãnh đạo BV và đoàn y bác sĩ của BV Trưng Vương nhanh chóng được diễn ra. Tại đây, BS Hà Văn Tâm, Giám đốc BV đa khoa khu vực Tân Châu, cho biết do số ca bệnh mắc mới và chuyển nặng tăng nhanh nhưng tỉnh chỉ có hai BV tuyến tỉnh đáp ứng đủ điều kiện để thu dung, điều trị nên đang trong tình trạng quá tải. BV đa khoa khu vực Tân Châu chỉ có thể điều trị cho các bệnh nhân thuộc tầng 1 và tầng 2, còn bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ chuyển đến BV tỉnh. Khi số ca mắc mới và ca chuyển nặng tăng cao, Sở Y tế tỉnh An Giang đã giao cho BV phải điều trị thêm cho các bệnh nhân thuộc tầng 3. Lúc đó, BS Hùng mới có thể nắm hết được tình hình. “Nhận được hỗ trợ của đoàn y bác sĩ BV Trưng Vương, chúng tôi có thể yên tâm hơn trong việc điều trị cho bệnh nhân ở tầng 3” - BS Tâm nói bằng sự biết ơn.

Để có thể giúp các đồng nghiệp tại BV nhanh chóng quen với việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đoàn của BS Hùng phải vừa tham gia điều trị vừa chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, theo dõi, cấp cứu người bệnh và các thao tác chỉnh máy thở, máy ECMO… Đến nay, đoàn của BS Hùng đã đến An Giang công tác được hơn hai tuần. Niềm vui họ nhận được là hầu hết bệnh nhân hợp tác tốt với nhân viên y tế trong điều trị.

BS Hùng nhớ đến một nữ bệnh nhân 63 tuổi, có bệnh nền tiểu đường, chưa được tiêm vaccine. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh của bà chuyển nặng nhanh. Khi được đưa đến BV, bà bị suy hô hấp nặng, phải thở máy không xâm lấn. Nhờ đáp ứng phác đồ điều trị, chỉ mấy ngày sau bà chuyển sang thở ôxy rồi tự thở được. Ngày 4-11, bà vui mừng, rối rít cám ơn bác sĩ khi nhận thông báo được xuất viện.

Hiện đoàn y bác sĩ của BV Trưng Vương đang điều trị cho hơn 90 F0 nặng và nguy kịch. Theo BS Hùng, số ca bệnh nặng khá cao so với đáp ứng yêu cầu thu dung, điều trị của BV. Hiện nay, dù nguồn ôxy, trang thiết bị y tế tỉnh đáp ứng đủ, nguồn nhân lực và thuốc điều trị vẫn còn thiếu, hầu hết người dân chưa tiêm vaccine nên tỉ lệ chuyển nặng và tử vong cao. “Hôm nay, tôi phải chứng kiến sáu người ra đi do COVID-19 rồi. Hình ảnh này rất giống với TP.HCM khi đợt dịch lần thứ tư mới bùng phát” - BS Hùng chia sẻ.

Y bác sĩ BV Thống Nhất đến Ninh Thuận hỗ trợ chống dịch. Ảnh: BVCC

Từ tháng 10, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã “giảm nhiệt” khi số ca F0 mắc mới, tử vong, chuyển nặng và nhập viện đều giảm. Thế nhưng dịch ở các tỉnh miền Tây và các tỉnh lân cận lại trở nên căng thẳng hơn. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các BV tại TP cần lên kịch bản chi viện luân phiên cho tỉnh bạn. 

Vừa điều trị cho F0 vừa chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết từ giữa tháng 10, BV đã đến các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu… gửi trang thiết bị y tế và tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trước đề nghị của BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận, BV đã cử đoàn y bác sĩ gồm chín người, do ThS-BS Lê Bảo Huy - Trưởng Khoa cấp cứu làm trưởng đoàn mang theo thiết bị vật tư y tế, thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch.

Sáng 16-10, sau khi làm lễ chào cờ, hát quốc ca, nhận nhiệm vụ, BS Thanh cùng các đồng nghiệp khác mang hành lý lên xe đến tỉnh bạn hỗ trợ. Cùng đồng hành đến tỉnh bạn còn có khoảng 2 tấn thiết bị máy móc, năm máy thở chức năng cao, 20 máy thở ôxy dòng cao (HFNC), 50 máy tạo ôxy, thuốc kháng virus Remdesivir cùng nhiều thuốc men và trang thiết bị y tế khác.

“Khi chúng tôi đến, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng một khu thu dung, điều trị F0 nặng và nguy kịch gồm 50 giường, trong đó có 20 giường hồi sức. Tuy nhiên, mỗi ngày BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận có 7-10 ca F0 nặng chuyển đến. Số bệnh nhân tử vong tương đối. Họ mong muốn mở rộng khu điều trị này thành 100 giường, với 50 giường hồi sức nhưng thiếu trang thiết bị, lực lượng y tế mỏng, chưa có kinh nghiệm trong điều trị F0, nhất là các bệnh nhân nặng” - BS Thanh chia sẻ.

Vốn đã có kinh nghiệm trong việc điều trị, thành lập BV điều trị COVID-19 đa tầng, đoàn y bác sĩ của BV Thống Nhất nhanh chóng hỗ trợ BV tỉnh bạn thiết lập BV điều trị COVID-19 theo mô hình đa tầng, gồm có khu vực hồi sức tích cực, khu điều trị bệnh nhân nặng và buồng cấp cứu sàng lọc. BS Thanh cho biết hiện nay, niềm vui mà đoàn y bác sĩ BV Thống Nhất nhận được là số ca chuyển nặng và tử vong tại tỉnh Ninh Thuận đã giảm rõ. Hiện BS Thanh trở lại BV Thống Nhất điều hành, còn BS Huy và tám đồng nghiệp khác ở lại tiếp tục giúp tỉnh bạn vừa làm công tác điều trị vừa chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch. “Lực lượng y tế tại tỉnh Ninh Thuận đã có đầy đủ kinh nghiệm trong điều trị F0, vì vậy chúng tôi đang tính đến việc rút lực lượng để chi viện cho các tỉnh miền Tây” - BS Thanh nói.

BS Thanh cũng biết hầu hết các tỉnh hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, nhất là công tác điều trị F0 nặng và nguy kịch, vì vậy cái quan trọng hiện nay không phải là đưa quân chi viện bao nhiêu mà phải làm sao cho hiệu quả.

“Chúng tôi đưa lực lượng tinh nhuệ, giúp tỉnh bạn xây dựng hệ thống, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng y tế tại chỗ, làm sao để họ tiếp nhận quy trình chuẩn để giúp bệnh nhân có thể thở máy và thực hiện các kỹ thuật cao cho bệnh nhân nặng. Sau khi hoàn thành công tác đào tạo, chúng tôi sẽ rút quân về để tiếp tục đi đến tỉnh khác cần hỗ trợ hơn. Lực lượng y tế tỉnh bạn chưa quen và chưa có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Nếu chúng ta giúp họ được công tác huấn luyện, đào tạo thì họ có thể đảm đương được rất lớn” - BS Thanh nói.

BS Hùng cho biết hiện nay, ông cũng đang thay mặt đoàn của BV Trưng Vương ngoài thực hiện điều trị F0 còn lên các buổi chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cho lực lượng y tế tại BV đa khoa khu vực Tân Châu. “Hiện tôi đã hướng dẫn cho các đồng n0ghiệp cách chăm sóc, theo dõi, xác định dấu hiệu chuyển nặng của người bệnh. Trong tuần tới, tôi sẽ chia sẻ các phương pháp cấp cứu, cách sử dụng máy thở, bình ôxy, máy ECMO cho họ” - BS Hùng nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm