Hy hữu: Bé trai Thanh Hóa có 9 ngón trên 1 bàn chân

Sáng 30-6, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), cho biết các y, BS của BV vừa phẫu thuật chỉnh hình thành công cho bệnh nhi có 9 ngón trên bàn chân phải.

Trước đó, vào ngày 9-6, BV tiếp nhận bé trai ĐTK (sinh năm 2019, ngụ huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) do bị tật bẩm sinh thừa ngón bàn chân phải.

Bước đầu, các BS xác định đây là trường hợp dị tật phức tạp. Để đảm bảo vận động bình thường cũng như mang lại thẩm mỹ, bệnh nhi cần được phẫu thuật ở cơ sở y tế chuyên sâu về phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ.

Bàn chân bé trai với 9 ngón trên bàn chân phải vừa được Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phẫu thuật thành công. Ảnh: BVNTH cung cấp

Ngày 11-6, bệnh nhi được các BS Khoa Chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ, BV Nhi Thanh Hóa phẫu thuật thành công, loại bỏ các ngón thừa, phục hồi giải phẫu, chức năng vận động và thẩm mỹ. Ông Khoa cho hay chỉ sau xuất viện một thời gian ngắn bệnh nhi sẽ đi lại được bình thường.

Cũng theo ông Khoa, thừa ngón là dị tật bẩm sinh gây thừa ngón chân hay ngón tay, thường gặp trên 6 ngón, tỷ lệ 2-11 ca/1.000 người. Tuy không đe dọa sức khỏe nhưng nó lại làm giảm vẻ đẹp ngoại hình và suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Dị tật thừa ngón có thể tự phát sinh hay do hội chứng dị tật tương thích. Khi nó tự phát sinh, nghĩa là có liên hệ với thể đột biến của nhiễm sắc thể trội trên một gen. 

Hình ảnh chụp X-quang được các bác sĩ cung cấp. Ảnh: BVNTH cung cấp

Đột biến trên nhiều gen khác nhau cũng có thể dẫn đến hội chứng dị tật thừa ngón. Điều trị bệnh này cũng rất đa dạng, có trường hợp điều trị bảo tồn mà không cần phẫu thuật hoặc có trường hợp chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ đơn thuần. Trường hợp khác là phẫu thuật tạo hình nhằm phục hồi cấu trúc giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ cho bàn tay hoặc bàn chân.

Ngoài ra, ông Khoa khuyến cáo: “Để có phương pháp điều trị thích hợp các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám, tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp. Đối với tật dính ngón phức tạp thì cần phải dựa vào các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán hình ảnh mới đưa ra phương pháp điều trị và thời gian tiến hành phẫu thuật phù hợp".

Sau phẫu thuật một thời gian là bé K. có thể đi lại bình thường. Ảnh: BVNTH cung cấp

Cạnh đó, tuyệt đối không tự ý đưa trẻ đi khám và chữa tại các cơ sở bệnh theo lời đồn, thầy lang không đảm bảo. Đối với nhóm trẻ bị dị tật bẩm sinh cần có kế hoạch chăm sóc tốt, cho trẻ ăn uống cân bằng, khoa học và đủ chất. Các cha mẹ nên dành nhiều tình thương để trẻ không mặc cảm, dễ hòa nhập và phát triển khi trưởng thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm