Ký ức nơi tâm dịch của bác sĩ trẻ 9X

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gặp BS Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991) đang công tác tại phòng C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện (BV) Bạch Mai vào một ngày đầu tháng 4. Đã hơn một tuần sau buổi lễ nhận giải thưởng nhưng chàng trai trẻ vẫn không giấu được cảm xúc hạnh phúc xen lẫn tự hào vì được chọn vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

Nối nghiệp ông nội

Dù sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y nhưng trước đó, chàng trai trẻ gốc Hà thành không chọn nối nghiệp gia đình mà thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải. Đúng lúc đứng giữa nhiều sự lựa chọn của tuổi trẻ, chàng trai 9X bất ngờ bẻ lái, lên đường du học tại ĐH Y Quảng Tây (Trung Quốc).

Nói về quyết định sự nghiệp của mình, anh cho hay: “Ông nội là người động viên tôi đến với ngành y. Ông nói là một bác sĩ, đầu tiên phải giàu lòng thương người, tinh thần trách nhiệm. Làm được những điều đó, cháu sẽ có cách để giúp đỡ được người khác. Tôi luôn coi những lời nhắc nhở, dặn dò đó làm động lực để phấn đấu trong học tập và công việc”.

BS Đỗ Doãn Bách hội ngộ cùng chị Lê Phước Hồng Văn, bệnh nhân đặc biệt tại BV dã chiến số 16, trong lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2021. Ảnh: NVCC

Sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài, anh trở về nước, tiếp tục theo học chuyên sâu ngành tim mạch tại ĐH Y Hà Nội và về công tác tại Viện Tim mạch, BV Bạch Mai.

Tháng 3-2020, BV Bạch Mai liên tục phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, không lâu sau BV bị phong tỏa. BS Bách phải ở lại BV một tháng, thời gian này anh tích cực tìm hiểu sâu về virus SARS-CoV-2, đưa thông tin chính thống về căn bệnh hô hấp này lên trang cá nhân để mọi người có được thông tin, tránh lo lắng, hiểu nhầm về đại dịch.

Khi dịch bùng phát tại Hải Dương và Bắc Giang, anh xung phong lên đường chống dịch. Đến tháng 7-2021, khi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, anh tham gia hoạt động tại Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để khảo sát nguyên nhân của việc dẫn đến ca bệnh quá tải tại nhiều địa phương phía Nam.

Theo BS Bách, nguyên nhân quá tải y tế chủ yếu đến từ sự hoảng loạn của người dân do thiếu hiểu biết về COVID-19. Họ vào viện kể cả khi không có triệu chứng, dẫn tới số lượng người bệnh nhiều hơn khả năng đáp ứng thực tế của BV và khiến những bệnh nhân nặng không có điều kiện tiếp cận y tế.

Với mục đích hỗ trợ y tế, tiếp cận, tư vấn cho bệnh nhân F0 từ xa, hạn chế tình trạng người bệnh đến BV ồ ạt, BS Bách cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam kết hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 thành lập Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Để có thể tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0; gọi được 450.000 cuộc gọi thành công; phát hiện được 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện. Sắp xếp và phân bổ 5.000 bác sĩ và tình nguyện viên về các quận, huyện tại TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ và Hà Nội, đội ngũ Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng BS Bách gần như không có thời gian ăn, ngủ, nghỉ. Có những ngày anh phải bê bát cơm lên phòng để vừa ăn vừa ngồi làm việc.

BS  Bách (phải) cùng đồng đội trong tâm dịch tại TP.HCM. Ảnh: NVCC

BS Đỗ Doãn Bách sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y, ông nội là GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai và bà nội là BS Phạm Thị Hoan, nguyên bác sĩ Khoa thận BV Bạch Mai.

Với những cống hiến hết mình cho xã hội, đặc biệt là thành viên sáng lập và tham gia vận hành Mạng lưới thầy thuốc đồng hành… BS Đỗ Doãn Bách vinh dự được Trung ương Đoàn, Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 chọn vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. 

Coi bệnh nhân như “báu vật quý giá”

Tháng 8-2021, BS Bách nhận lệnh vào TP.HCM chống dịch. Lúc chuẩn bị đi, anh có vỏn vẹn 3 tiếng để thu xếp công việc và chỉ kịp gọi điện thoại về thông báo cho gia đình.

Khi BV dã chiến số 16 vận hành, BS Bách được phân công làm ở Phòng hồi sức 3, nơi chuyên chạy ECMO cho người bệnh nguy kịch. Lúc đầu, anh choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng. Gần 500 giường bệnh phủ kín chỉ trong ít ngày. Đường dây nóng đổ chuông liên tục...

Bệnh nhân nặng tăng lên, giường bệnh và thiết bị y tế quá tải khiến các bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng, họ phải gồng mình một lúc chăm sóc rất nhiều bệnh nhân. Dù nỗ lực hết mình song nhiều lúc các bác sĩ bất lực vì chẳng thể cứu được người bệnh.

Ngoài điều trị người bệnh, BS Bách cùng các đồng nghiệp còn làm cầu nối kết nối giữa người bệnh với người thân. Anh nhớ mãi trường hợp bệnh nhân Lê Phước Hồng Văn (sống tại TP.HCM), từng là bệnh nhân COVID-19 điều trị tại khu điều trị dành cho bệnh nhân nặng được chuyển đến từ BV Hùng Vương. Chị nhập viện trong tình trạng nặng và cũng vừa sinh con, phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy.

Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, bác sĩ đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà. Những dòng chữ viết vội là số điện thoại của ông xã chị. Để hai vợ chồng có thể gặp nhau qua điện thoại, BS Bách đã cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly. Giây phút nhìn thấy chồng và cô con gái đầu lòng, chị Văn xúc động, nước mắt chảy dài.

“Chị Văn thoát khỏi cửa tử, về với gia đình khiến chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi vẫn thường hay nói với nhau: Chị luôn luôn là báu vật quý giá của chúng tôi ở trong BV, một nơi ở giữa ranh giới cửa tử” - BS Bách xúc động tâm sự.

Mới đây, tại buổi lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021, BS Đỗ Doãn Bách đã có cơ hội gặp lại chị Lê Phước Hồng Văn. Cuộc hội ngộ đặc biệt khiến nhiều người chứng kiến ngậm ngùi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm