Tuy nhiên, ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy số ca cấp cứu tai nạn giao thông liên quan rượu bia trên địa bàn TP.HCM trong ngày đầu thực thi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia còn nhiều và có xu hướng tăng.
Bỗng dưng mang họa
Đến 20 giờ 30 ngày 1-1, Khoa cấp cứu BV Nhân dân Gia Định TP.HCM đã tiếp nhận gần 10 trường hợp tai nạn giao thông.
Nằm trên băng ca, bà NTTM (46 tuổi, ở TP.HCM) liên tục than đau. “Tôi đi công chuyện bằng xe gắn máy, chạy chầm chậm. Bỗng một ông điều khiển xe gắn máy từ trong hẻm phóng nhanh ra đường rồi đụng mạnh xe tôi khiến cả hai té nhào.
Ông ta chỉ xây xát nhẹ, còn tôi chảy máu đầu nên ông ta gọi xe đưa tôi vào BV. Trong cơn choáng tôi vẫn ngửi được mùi rượu bia từ ông ta” - bà M. kể.
Điều dưỡng BV Nhân dân Gia Định chăm sóc một trường hợp bị tai nạn giao thông. Ảnh: TRẦN NGỌC (Ảnh chụp 21 giờ 30 ngày 1-1)
Tại BV, bà M. được các bác sĩ (BS) băng bó vết thương, truyền dịch và chụp CT scan. Sau khi xem phim chụp, BS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết bà M. bị gãy sống mũi, chấn thương sọ não nhẹ nên phải nằm lại BV để được chăm sóc, điều trị.
Tương tự, bà H (48 tuổi, ở Bình Dương) cũng vào BV trong tình trạng gãy tay do tai nạn giao thông.
“Em gái chở tôi bằng xe gắn máy đi thăm người quen. Tới ngã ba đèn đỏ, chúng tôi dừng lại thì bị một thanh niên chạy xe gắn máy từ sau cố tình vượt lên quẹt vào. Em tôi chỉ trầy xước nhẹ, tôi đau nhức tay phải. Người đụng xe nồng nặc mùi bia nhưng cũng xin lỗi rồi gọi xe đưa tôi vô đây. Các bác sĩ nói tôi bị gãy tay, phải bó bột" - bà H. nói.
Em gái bà H. chia sẻ: “Xui gì đâu, bỗng dưng chị tôi bị người say rượu gây tai nạn phải vào BV. Tôi thấy Nhà nước có quy định cấm người uống rượu bia điều khiển xe cộ là quá hợp lý. Cấm rồi mà vẫn còn như vậy, nếu không cấm thì không biết bao nhiêu người là nạn nhân của mấy ông say xỉn”.
Rước họa vào thân
Vào BV với vết thương trên trán, anh TVN (30 tuổi, ở Đồng Nai) liên tục than đau.
“Đầu năm mấy người trong cơ quan gầy độ nhậu ở nhà một người bạn. Uống hết ba thùng bia, tôi bắt đầu ngấm. Thấy tôi loạng choạng, người bạn kêu ở lại sáng mai hãy về nhưng tôi không nghe mà cứ chạy xe máy. Trên đường chẳng may quẹt trúng người đi xe đạp cùng chiều, may ông ta không sao, tôi thì đập trán xuống đường chảy máu” - anh N. kể.
May mắn anh N. chỉ bị chấn thương nhẹ vùng trán nên cần theo dõi vài tiếng, sau đó về nhà.
Về khuya, bệnh nhân nhập viện cấp cứu tai nạn giao thông do rượu bia khá đông. Một người đàn ông tầm 45 tuổi được người nhà đưa vào Khoa cấp cứu trong tình trạng tay và chân phải nẹp gỗ.
“Cha tôi đi đám giỗ ở nhà người quen. Lâu ngày gặp lại bà con nên uống khá nhiều rượu. Thấy ba tôi say, người quen kêu ngồi sau xe để chở về nhưng ông không chịu, khăng khăng đòi tự chạy xe về nhà. Do chạy khá nhanh, lại loạng choạng do rượu đã ngấm nên ba tôi đụng cây ven đường té ngã và gãy tay, chân” - con gái bệnh nhân cho biết.
“Do chỗ bị nạn cách nhà bà con không xa nên người quen chạy tới đưa ba tôi vô trạm y tế gần đó nẹp gỗ rồi chuyển lên BV. Buồn thật, tết nhứt tới nơi mà tay, chân ba tôi như vầy... May mà ba tôi không đụng người khác. Tôi thấy Nhà nước ra quy định cấm điều khiển xe cộ khi đã uống rượu bia là hoàn toàn đúng” - chị nói thêm.
BS Nguyễn Ngọc Tài, trưởng ca trực cấp cứu BV Nhân dân Gia Định đêm 1-1, chia sẻ: “Làm việc tại Khoa cấp cứu đã lâu, tôi gặp nhiều trường hợp đau lòng do tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia. Một người bình thường bỗng dưng thành tàn tật, vợ mất chồng, cha mất con chỉ trong chốc lát... Tôi mong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được thực thi nghiêm minh. Chỉ có vậy mới hy vọng hạn chế tối đa tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia” - BS Tài nói.
Theo BS Nguyễn Ngọc Tài, trong ngày 1-1 BV Nhân dân Gia Định TP.HCM tiếp nhận 17 ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong khi ngày 31-12-2019 chỉ có năm ca (tăng 12 ca). Còn BS Kim Phúc Thành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV quận Thủ Đức, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông ngày 1-1 là 22, tăng bảy ca so với ngày 31-12-2019 (15 ca). BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết tổng cộng 47 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong ngày 1-1. Trong khi đó con số này vào ngày 31-12-2019 là 29 ca (tăng 18 ca). Đáng chú ý, đa phần tai nạn giao thông nêu trên đều có liên quan tới rượu bia. |