Thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP.HCM như thế nào?

Chiều muộn 13-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với Bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM. Cuộc họp đã bàn bạc và đi đến nhiều quyết định mới về điều trị, cách ly, xét nghiệm… trên địa bàn TP.HCM và một số địa phương khu vực miền Nam.

Giảm thời gian nằm viện của F0 không triệu chứng

Tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao.

Vì thế, việc áp dụng các test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

Theo nghiên cứu tại các đợt dịch trước và lần này tại TP.HCM, khoảng 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có đến 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Riêng với trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7-10 ngày từ khi phát hiện dương tính.

Từ kết quả trên, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19, cụ thể với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ chín và ngày thứ 10. Nếu hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc hai lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30) thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24 giờ.

Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn cách ly tại nhà với F0, F1

Sau cuộc họp với Bộ Y tế, ngay trong tối 13-7, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản triển khai các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Sở Y tế hướng dẫn có hai đối tượng F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Đối tượng thứ nhất là trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value >30), không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1. Bệnh nhân tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng chống lây nhiễm.

Về công tác tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0, ngành y tế địa phương phải tổ chức đội ngũ theo dõi sức khỏe hằng ngày đối với các trường hợp này. Cạnh đó, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Về việc cách ly F1, Sở Y tế hướng dẫn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27-6-2021 của Bộ Y tế. Tuy nhiên có một số điều chỉnh như sau:

- Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa):

+ Áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực phòng riêng cho người F1 nếu có thể, bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng. Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư: Nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

+ Trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung.

+ TP bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hằng ngày.

- Đối với khu vực nguy cơ cao: Riêng với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

- Đối với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn): Riêng yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Sở Y tế lưu ý với trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao, không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá...) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày thứ bảy thay vì ngày 14 như trước đây, nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên.

Tiếp tục tăng cường năng lực điều trị

Với lượng bệnh nhân COVID-19 lớn và tăng nhanh trong những ngày gần đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường năng lực điều trị và thiết lập các cơ sở hồi sức tích cực (ICU) tại các bệnh viện điều trị COVID-19.

Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của BV Bạch Mai vào Đồng Nai để thiết lập Trung tâm ICU tại đây để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khu vực miền Đông Nam bộ. Với miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV đa khoa Trung ương Cần Thơ thiết lập Trung tâm ICU để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch của khu vực này.

Bộ Y tế lưu ý với các bệnh nhân nặng, nguy kịch, các cơ sở y tế phải liên hệ ngay bộ phận thường trực tại TP.HCM để có hỗ trợ chuyên môn kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác của BV Trung ương Huế vào Đồng Tháp hỗ trợ điều trị và bảy tổ công tác thường trực đặc biệt của bộ tại các tỉnh miền Nam và miền Trung vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch.

Giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày

Về vấn đề cách ly, căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Mỹ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1.

Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm