Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Song song với cuộc chạy đua sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu, thế nhưng đến nay chúng ta chỉ mới nhận được hơn 2 triệu liều vaccine, số người được tiêm chủng mới chiếm 1% dân số.

Trước tình hình này, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vaccine như Nghị quyết 21 của Chính phủ.

BS Trần Nguyên Ánh Tú (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) được tiêm vaccine ngừa COVID-19
mũi thứ hai. Ảnh: FBNV

TP.HCM sắp tiêm hơn 800.000 liều vaccine COVID-19 trong một tuần

836.000 liều vaccine COVID-19 đã nhập kho Viện Pasteur TP.HCM chiều 17-6, dự kiến bắt đầu tiêm vào ngày 19-6 ở 1.000 điểm tiêm chủng, hoàn thành trong 5-7 ngày.

Trong chiều 17-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến kho Viện Pasteur TP.HCM kiểm tra công tác nhập, bảo quản số vaccine trên. Đây là vaccine trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, về tới sân bay Nội Bài khuya 16-6, được dành cho TP.HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh TP ghi nhận hơn 1.100 ca COVID-19 từ ngày 18-5.

Dự kiến hôm nay (18-6), TP.HCM sẽ hoàn tất công tác kiểm định vaccine và sáng mai có thể bắt đầu tiêm ở khoảng 1.000 điểm tiêm chủng trên toàn TP.

“Chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra 5-7 ngày, với khoảng 786.000 liều vaccine tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và còn lại khoảng 50.000 liều cho bộ đội, công an trên địa bàn TP.HCM” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

TP.HCM huy động các bệnh viện (BV) địa phương, các trung tâm y tế quận/ huyện, trạm y tế phường/xã. Bộ Y tế sẽ huy động thêm các BV tuyến trung ương cũng như các bộ, ngành trên địa bàn TP, các BV quân đội, công an... tham gia vào chiến dịch này với nguyên tắc “triển khai tiêm chủng nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn”.

 

Bộ Y tế phân bổ đợt 5 vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ đợt 5 vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho 38 đơn vị, gồm trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh/TP, các viện, BV, trường cao đẳng, các tổng công ty, công ty, trung tâm pháp y các vùng, miền... và lực lượng công an tại TP.HCM, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng).

Quản lý tiêm chủng online

Bộ Y tế nhận định vaccine chính là giải pháp an toàn và lâu dài nhất trên con đường phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, bên cạnh việc cách ly, xét nghiệm, điều trị, sắp tới sẽ mở chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

Do quy mô của chiến dịch này lớn nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành góp sức, vào cuộc để vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng.

Theo kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế sẽ thiết lập tám kho bảo quản, trong đó một kho tại Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và bảy kho tại bảy quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản.

Tất cả kho phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP). Tiếp theo, các xe lạnh vận chuyển làm nhiệm vụ chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Để không bị động khi vaccine về, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành cần thiết lập rất nhanh các kho này, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.

Điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này đó là Bộ Y tế hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng đều được công khai và kiểm soát toàn bộ qua công nghệ thông tin.

Để làm điều này, bộ trưởng Bộ Y tế giao Bộ TT&TT nghiên cứu, xây dựng phần mềm. Đồng thời giao các bộ, ngành phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và tin nhắn.

“Ngay khi vaccine về đến sẽ nhắn tin cho người dân, mời đến tiêm. Người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào tiêm. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm sẽ check mã QR Code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” dễ dàng” - GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá đây là nhiệm vụ chuyên môn nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị, do đó phải đảm bảo toàn bộ quy trình chuyên môn từ vận chuyển, bảo quản đến tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm là phải an toàn. Với cách thức triển khai như thế này và có sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lần này.•

 

Sẽ nhận 31 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer

Tại buổi tập huấn trực tuyến phân biệt vaccine chính hãng Pfizer cho toàn lực lượng quản lý thị trường diễn ra ngày 16-6, hãng dược phẩm Pfizer cho biết đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam cho việc cung cấp 31 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 đối với vaccine của hãng Pfizer.

Hiện tại, hãng dược phẩm này đang chốt các kế hoạch vận chuyển và cung cấp vaccine cho Việt Nam trong quý III và quý IV-2021. Tuy nhiên, tháng sau có thể có một phần vaccine về Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm