Các công tố viên Nhật Bản đã bắt giữ doanh nhân người Pháp Carlos Ghosn lần thứ 4 hôm 4-4 với cáo buộc nâng chi phí sản xuất để bỏ túi riêng. Theo đội ngũ luật sư của ông Ghosn, đó là một sự bịa đặt khác của một số người nhằm bịt miệng của vị doanh nhân gốc Liban, sinh ra tại Brazil, và lớn lên tại Pháp này.
“Tôi cho rằng chính phủ Pháp nên có nhiều hành động hơn để giúp ông ấy. Tôi không nghĩ rằng ông ấy đã nhận được đủ sự hỗ trợ và ông ấy đang kêu gọi giúp đỡ. Đó là quyền của một công dân Pháp”, bà Carole Ghosn nói với PV báo Financial Times khi trả lời phỏng vấn trước khi lên chuyến bay rời Nhật vào cuối ngày 5-4.
Bà Carole Ghosn còn cho biết đợt tạm giam 108 ngày vừa qua đã khiến chồng bà thành “một con người khác”, nên đã không thể có một cuộc sống bình thường trong thời gian tại ngoại gần một tháng vừa qua.
Bà nói rằng “bạn có thể nhìn thấy nỗi sợ trong mắt ông ấy” khi tin đồn về việc doanh nhân 65 tuổi này sẽ lại bị bắt giam lan truyền hồi tuần trước.
Ông Ghosn, đang giữ 3 quốc tịch Pháp, Liban và Brazil, đã phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình và lên tiếng yêu cầu chính phủ Pháp giúp đỡ.
Tuy nhiên, cả văn phòng công tố Tokyo, luật sư của ông Ghosn cũng như người phát ngôn của ông đều chưa đưa ra bình luận gì về việc này.
Theo bản tin ngày chủ nhật 7-4 của đài NHK, các công tố viên nghi ngờ ông Ghosn đã thông qua công ty mà vợ ông làm giám đốc điều hành để thanh toán một phần chi tiêu cá nhân, trong đó có khoản tiền để mua một chiếc du thuyền và một chiếc thuyền.
Đài Nhật NHK cũng nói rằng các công tố viên đã mời bà Carole Ghosn tiếp nhận thẩm vấn tự nguyện với tư cách người làm chứng không bị ràng buộc bởi lời tuyên thệ nói sự thật, nhưng đã bị từ chối, nên họ đã yêu cầu thẩm phán thay mặt họ thẩm vấn bà Carole Ghosn.
Một yêu cầu như thế trao quyền cho các thẩm phán thẩm vấn những nhân chứng từ chối cho lời khai, theo NHK.
Ông Junichiro Hironaka, luật sư trưởng của cựu chủ tịch Nissan, cho biết sau khi bắt giữ ông Carlos Ghosn, các công tố viên đã tịch thu điện thoại di động, tài liệu, sổ tay và nhật ký của ông Carlos, đồng thời thu giữ cả hộ chiếu và điện thoại di động của bà Carole.
Theo Financial Times, các công tố viên chỉ tìm thấy hộ chiếu Liban của bà Carole khi lục soát căn hộ của họ ở khu trung tâm Tokyo sáng ngày 4-4, nhưng lại không tìm được hộ chiếu Mỹ của bà.
Financial Times dẫn lời bà Carole trong khi chờ lên máy bay: “Tôi hoàn toàn đơn độc ở đây. Chuyện xảy ra thật sốc và gây tổn thương. Nếu chồng tôi bị bắt giữ mà tôi ở đây thì chẳng có ích gì. Tôi sẽ đi Pháp… và sẽ có ích hơn ở nơi mà tôi có thể làm được điều gì đó”.
Theo luật pháp Nhật, các công tố viên có thể tạm giam ông Ghosn tối đa 22 ngày mà không cần phải đưa ra lời buộc tội. Lần bắt giữ này mở ra khả năng ông Ghosn sẽ bị thẩm vấn lại lần nữa mà không có sự hiện diện của luật sư của mình, theo luật ở Nhật Bản.
Ông Ghosn bị cáo buộc gian lận tài chính và vi phạm tín nhiệm nghiêm trọng vì đã không khai báo về khoản tiền lương 82 triệu USD và về việc chuyển khoản lỗ tài chính cá nhân vào sổ sách của Nissan trong đợt khủng hoảng tài chính.
Sau khi nộp 9 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại ngày 6.3, ông Carlos Ghosn nói rằng ông chỉ là nạn nhân của một cuộc lật đổ nội bộ.
Carlos Ghosn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xe hơi ở Nhật. Thế nên việc ông bị các công tố viên Nhật Bản tạm giam với các cáo buộc gian lận tài chính đã làm rung chuyển ngành công nghiệp sản xuất xe hơi toàn cầu và hé lộ khía cạnh khắc nghiệt của hệ thống tư pháp Nhật Bản.