Doanh nghiệp nhà nước thoái vốn ngoài ngành: đòn bẩy tăng thu ngân sách

Mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Đó là mục tiêu dài hơi, còn trước mắt, trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn khi phải triển khai nhiều gói kích thích kinh tế thì việc các DNNN thoái vốn ngoài ngành sẽ giúp nguồn thu ngân sách dày hơn, quan trọng hơn, tạo thêm dư địa hỗ trợ DN.

Theo nhận định của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), ngân sách thâm hụt do dịch COVID-19 thúc đẩy khả năng đẩy nhanh quá trình thoái vốn. Nhu cầu vốn cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 khoảng từ 32-34% GDP (từ 2 - 2,14 triệu tỷ đồng) với mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt 90% kế hoạch. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công cho năm 2021 chỉ tương đương 7,3% GDP. Do đó, nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2022-2025 là rất lớn. Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đốc thúc SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại một số DNNN như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Nhiều phiên giao dịch gần đây, mã cổ phiếu LPB đã tăng kịch trần

Diễn biến mới nhất liên quan đến hoạt động thoái vốn của DNNN là sau khi NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost) tại LienVietPostBank, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đấu giá bán cổ phần của LPB do VNPost sở hữu. 

Cụ thể, số cổ phần được đưa ra đấu giá là hơn 122 triệu cổ phiếu, tương đương 10,15% vốn cổ phần ngân hàng. Giá khởi điểm được đưa ra là 28.930 đồng/CP, cao hơn thị giá của LPB trên thị trường chứng khoán hơn 30%. Nếu thoái vốn thành công, VNPost sẽ thu về tối thiểu hơn 3.534 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23-2 tới đây. Sau thông tin bán đấu giá cổ phiếu, giá cổ phiếu LPB tăng kịch trần ở mức 23.000 đồng/CP trong phiên ngày 25-1-2022. LPB không chỉ tăng cao về chỉ số với 7% lên kịch trần mà còn mạnh về thanh khoản khi là 1 trong 2 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất ngày 25-1 (cùng với STB của Sacombank).

Dự báo, nhiều khả năng giá cổ phiếu của LPB có thể cao hơn nữa cho đến khi VNPost thực hiện thoái vốn. Khả năng đó hoàn toàn khả thi khi trước đó, VNPost hoàn tất phiên đấu giá toàn bộ 18,2 triệu cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) tương đương 22,67% vốn với giá đấu thành công bình quân ở mức 77.341 tỷ đồng/CP, cao hơn 63% so với mức giá khởi điểm. VNPost thu về hơn 1.409 tỷ đồng sau khi đấu giá thành công toàn bộ số cổ phiếu trên.

Đó là chuyển động tích cực đối với hoạt động thoái vốn của các DNNN tại DN sau một thời gian gần như “giậm chân tại chỗ”. Với diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán, giới chuyên môn đánh giá sẽ giúp cho kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước sẽ diễn ra thuận lợi hơn trong năm 2022.

Đối với cổ phiếu ngân hàng nói chung, cổ phiếu LPB nói riêng, theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, tiềm năng tăng giá nhóm cổ phiếu ngân hàng khá tích cực sau một thời gian dài tích luỹ. Ngân hàng là ngành hiếm hoi có lợi nhuận tăng trưởng thời gian dài, kể cả sau dịch. Lợi nhuận của ngân hàng hiện nay chủ yếu đến từ tín dụng, trong khi quy mô tín dụng thì luôn tăng theo thời gian, bất kể đại dịch.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngân hàng được đánh giá có nhiều triển vọng tích cực nhờ hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng rất tích cực, một số cổ phiếu đã vượt đỉnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhiều tổ chức khuyến nghị mua như CTG, BID, LPB, STB… đang thu hút dòng tiền nhà đầu tư rất tích cực với giá kỳ vọng cao hơn so với hiện tại từ 20-30%.

Giới chuyên môn đánh giá, việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích đối với cả thị trường chứng khoán và DN. Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng DN niêm yết và vốn hóa thị trường.

Theo Phó TGĐ Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết (VNCS) Đỗ Bảo Ngọc, đây là một trong những điều kiện để xét nâng hạng, thị trường chứng khoán có thêm hàng hóa chất lượng và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thêm cơ hội đầu tư mới tiềm năng. Về phía DN sẽ có thêm các lợi ích riêng như công khai, minh bạch quản trị, đa dạng hóa cổ đông. Nhất là tạo dư địa cho NĐT nước ngoài tham gia vào hoạt động điều hành, đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ, có khả năng mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn cho DN.

Về phía nhà nước, việc thu được vốn thông qua thoái vốn ở nhiều DN giúp Chính phủ có thêm nguồn vốn để đầu tư công, hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, DN… Từ đó giúp nền kinh tế sớm phục hồi, tăng trưởng và phát triển hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm