Sáng 26-7, ba công dân Pháp, Burkina Faso và Lebanon đại diện cho thân nhân gia đình các nạn nhân trong tai nạn máy bay AH5017 rơi ở Gossi (miền Bắc Mali) đã được đưa từ Ouagadougou (Burkina Faso) đến quan sát hiện trường. Chuyến thứ hai diễn ra chiều cùng ngày.
Hôm trước đó, hai phái đoàn của Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita và Tổng thống Burkina Faso Blaise Compaoré đã đến thị sát hiện trường.
Tướng Gilbert Diendiéré, tư lệnh đặc biệt phụ trách dinh tổng thống Burkina Faso, cùng tham gia phái đoàn Burkina Faso ghi nhận khó có thể thu hồi thi thể toàn vẹn bởi chỉ có các mẩu thi thể vương vãi trên mặt đất còn các mảnh vỡ máy bay rơi dài khoảng 500 m.
Máy bay AH5017 của hãng hàng không Air Algérie (Algeria) bay từ Burkina Faso đến Algeria rơi ở Mali rạng sáng 24-7. Trong 118 người trên máy bay, số hành khách Pháp nhiều nhất (54 người). Air Algérie đã thuê máy bay của Công ty Swiftair (Tây Ban Nha). Vậy nước nào sẽ phụ trách điều tra?
Phái đoàn của Tổng thống Burkina Faso Blaise Compaoré đến hiện trường ngày 25-7. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG BURKINA FASO
Theo báo Le Monde (Pháp), Quốc vụ khanh phụ trách giao thông Pháp (thuộc Bộ Môi trường-Phát triển bền vững và Năng lượng) Frédéric Cuvillier giải thích Mali sẽ phụ trách điều tra.
Ông nói luật pháp quốc tế về tai nạn hàng không đã quy định: “Quốc gia có lãnh thổ là nơi xảy ra tai nạn (Mali) phải chịu trách nhiệm điều tra… Các nước khác có thể hỗ trợ và tham gia điều tra gồm nước có máy bay đăng ký hoạt động (Tây Ban Nha), nước có hãng hàng không (Algeria), nước sản xuất máy bay (Mỹ) và nước có công dân thiệt mạng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian dự báo cuộc điều tra sẽ kéo dài nhiều ngày vì hiện trường không rộng (300 x 300 m) nhưng hiểm trở. Từ TP Gao phải đi từ tám đến chín tiếng đường bộ và đường mòn mới tới nơi. Ông nhận định đây cũng là khu vực nguy hiểm dù không phải là địa bàn có thể chạm trán tức thời với các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tại Pháp, Viện Công tố Paris đã mở cuộc điều tra ban đầu về tội vô ý làm chết người. Bộ luật Hình sự Pháp cho phép mở cuộc điều tra khi tai nạn xảy ra ở nước ngoài nhưng có nạn nhân là công dân Pháp.
Theo trang web Thời sự Mali (Mali), tại hiện trường đã có mặt 30 binh sĩ Pháp đến đầu tiên hôm 25-7. Kế đến là 220 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Mali (MINUSMA) gồm 120 binh sĩ Pháp, 60 binh sĩ Mali và 40 binh sĩ Hà Lan.
Ngoài lực lượng điều tra của Mali và Burkina Faso, Pháp cử một tổ điều tra của Văn phòng Điều tra và phân tích (trực thuộc Bộ Giao thông) cùng các chuyên gia pháp y thuộc Viện Nghiên cứu tội phạm Hiến binh quốc gia.
Nguyên nhân tai nạn vẫn chưa rõ. Quốc vụ khanh phụ trách công dân Pháp ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao Pháp) Fleur Pellerin cho biết theo kết quả điều tra của Burkina Faso và Pháp, không có ai tình nghi trong những người đi trên máy bay AH5017.
Tổng cục Hàng không Dân dụng Pháp thông báo theo số liệu mới, chuyến bay AH5017 chở 118 người gồm 112 hành khách và tổ lái sáu người Tây Ban Nha chứ không phải 116 người như thông tin ban đầu. Trong số này có 54 người Pháp và 24 người Burkina Faso.
HOÀNG DUY
- Trong tai nạn máy bay AH5017 có một gia đình người Pháp gồm 10 người thiệt mạng. Theo báo Independent (Anh), gia đình này gồm ông Michel Reynaud, vợ cũ, hai con trai, hai con dâu và bốn cháu. Một gia đình người Pháp gốc Burkina Faso bảy người cũng thiệt mạng gồm hai vợ chồng, bốn con và hai cháu. - Ngày 25-7 (giờ địa phương), một máy bay của hãng Sunwing Airlines (Canada) bay tuyến Toronto-Panama City chở 189 người đã được hai máy bay F16 của Mỹ hộ tống quay về sân bay Toronto Pearson (Canada) sau khi cất cánh 45 phút. Một thanh niên Canada đe dọa trên máy bay bị bắt. ĐĂNG KHOA |