Vừa rồi trên đường đi làm, tôi bị tai nạn giao thông, thương tích khá nặng. Tuy nhiên, trong vụ tai nạn trên cả tôi và người va chạm với tôi không báo CSGT mà tự thương lượng với nhau. Vậy trường hợp của tôi có được hưởng chế độ tai nạn trên không? Nếu được thì tôi làm thủ tục như thế nào?
Phạm Thị T., phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM
Ông NGUYỄN ĐĂNG TIẾN, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: Đối với các loại bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm nhân thọ… thì người lao động phải tham gia (mua) thì mới được thanh toán khi bị tai nạn rủi ro. Trường hợp của bà có tham gia BHXH đầy đủ nếu bị tai nạn giao thông trên đường đi làm (hoặc từ nơi làm việc về nhà) với khoảng thời gian hợp lý thì được giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động.
Thủ tục hồ sơ gồm sáu loại giấy tờ: Thứ nhất là sổ BHXH. Thứ hai là văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu). Thứ ba là biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định. Thứ tư là giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Thứ năm là biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa. Cuối cùng là đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao) và biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao).
VÕ HÀ ghi