Tài sản của ủy viên Bộ Chính trị sẽ được kiểm soát thế nào?

Trình bày trước QH sáng nay,Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng trách nhiệm của các cơ quan đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo Tổng thanh tra, những người theo quan điểm trên cho rằng mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo luật.

“Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị” - ông Khái cho biết.

Một vấn đề khác thu hút nhiều sự quan tâm là việc kiểm soát xung đột lợi ích. Tổng thanh tra cho biết đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau. 

Trong đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ về trình tự, thủ tục để tránh bị lạm dụng; có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật; có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn; có ý kiến đề nghị không quy định.

Ông Khái giải trình thêm, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả nhằm giúp phát hiện và loại bỏ các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng.

Pháp luật hiện hành ở nước ta đã có quy định về kiểm soát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong một số lĩnh vực như: cán bộ, công chức, doanh nghiệp, chứng khoán, tài chính-kế toán…

Tuy nhiên, xung đột lợi ích còn chưa được quy định một cách thống nhất và thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện. Vì vậy, dự thảo luật tại Điều 23 tiếp tục quy định về nội dung này trên cơ sở có tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ ràng, chặt chẽ, khả thi hơn và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Điều 23. Kiểm soát xung đột lợi ích

1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý trong các trường hợp sau đây:

a) Khi công vụ, nhiệm vụ được giao có liên quan đến quyền, lợi ích của mình hoặc của người thân thích;

b) Khi có căn cứ rõ ràng về việc không khách quan trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

3. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác;

b) Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

c) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm