Bộ GD-ĐT vừa tổ chức họp báo thông tin, lấy ý kiến dư luận về 2 phương án thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với lựa chọn với 2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc. Tuy nhiên vẫn còn đó những lo lắng, băn khoăn.
Dễ tiêu cực
Hiệu phó Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Xuân Lâm cho rằng: “Đổi mới thi tốt nghiệp cần cố gắng làm sao đảm bảo nghiêm túc, nhẹ nhàng, tránh căng thẳng như mọi năm.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Văn Chung, VNN). |
Phương án của bộ vừa đưa ra trong thời điểm hiện nay có nhiều điểm hợp lý. Môn ngoại ngữ không nằm trong các môn tự chọn mà chỉ khuyến khích cộng điểm là phù hợp. Thực tế học sinh giữa các vùng khoảng cách ngoại ngữ còn cách xa nhau”.
Tuy nhiên, ông Lâm băn khoăn: “Tỉ lệ 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp nếu làm không nghiêm sẽ dẫn tới nhiều nghi ngại, lo lắng. Con số 20% là khá lớn đối với mỗi tỉnh”.
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu cụ thể để tránh tình trạng những em học chưa tốt chạy vào chỉ tiêu 20% này".
Hiệu phó một trường THPT tại Hải Phòng chia sẻ quan điểm: “Trên thực tế con số 20% học sinh giỏi, xứng đáng được miễn thi là co sơ sở. Song để miễn thi cần những tiêu chí cụ thể hơn nữa.
Con số này không phải và không nên đồng đều, cào bằng ở tất cả các trường. Đối với các trường chuyên hay ở thành phố rõ ràng có khoảng cách với học sinh các trường nông thôn, ngoại thành”.
Theo vị này: “Với học sinh giỏi việc phải thi tốt nghiệp cũng không sao. Chỉ sợ các thành phần khác chưa đủ khả năng cũng được vào số miễn thi thì không công bằng. 20% học sinh giỏi ở trường chuyên chắc chắn hơn nhiều trường không chuyên hay trường ngoài công lập”.
Cần tiêu chí cụ thể
Ông Hồ Văn Thống, giám đốc Sở GD- ĐT Đồng Tháp cho rằng: “Bộ đưa ra 20% là có cơ sở. 20% này cũng có tác dụng khuyến khích học sinh phấn đấu trong năm học để đạt loại giỏi, không học tủ, học lệch. Theo tôi, trước mắt nên miễn thi tốt nghiệp cho những em tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”.
“Song với chất lượng học tập, giảng dạy không đồng đều giữa các nơi, nên nếu lấy tỉ lệ miễn thi cố định theo địa phương sẽ không hay lắm, mà nên để cho mỗi địa phương tự tính tỉ lệ này.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Văn Chung, VNN). |
Nhiều địa phương hiện nay đã triển khai kiểm tra học kỳ theo đề chung, kết quả thi đã khách quan rồi vì đề của Sở ra, chấm thi nhiều khi cũng là chấm chung. Nhưng ngay trong một địa phương, chắc chắn học sinh trường chuyên phải có tỉ lệ khá giỏi cao hơn những trường khác” – ông Thống đề xuất.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ cho rằng: “Trước đây mới chỉ thực hiện miễn thi tốt nghiệp cho một số đối tượng như học sinh khuyết tật, học sinh giỏi quốc gia… Bộ sẽ phải có nhiều căn cứ, dự kiến để thực hiện việc miễn thi. Vấn đề là tiêu chí để miễn thi. Trước mắt, theo tôi, phải có khảo sát để đưa ra được những tiêu chí thuyết phục”.
Ý kiến của ông Ngọ nhận được nhiều chia sẻ, đồng tình của lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Hiệu phó Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thế Hùng thẳng thắn: “Thay vì con số 20%, bộ nên quy định các tiêu chuẩn cụ thể để học sinh được miễn thi tốt nghiệp”.
Trả lời những lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay: “Cơ sở để đưa ra tính toán này là để bảo đảm miễn thi cho số học sinh khá giỏi. Kinh nghiệm các năm trước hơn có 20% học sinh khá giỏi, vì thế lấy 20% để bảo đảm chặt chẽ. Miễn thi để các em không phải thi vì thi là đỗ, tiết kiệm được 20% chi phí phòng thi, cán bộ coi thi,...
Miễn thi có khách quan không? Theo tôi chất lượng giáo dục các nơi là khác nhau, điều kiện dạy và học cũng khác nhau. Vì thế, dư luận vẫn cho rằng thi cử phải bảo đảm bình đẳng giữa các vùng miền. Các nơi khác nhau. Vì thế lấy 20% là để bảo đảm công bằng cho các vùng.
Về chuyện tiêu cực, trước đây có miễn thi và Bộ chỉ giao cho bộ chuẩn nên nhà trường, học sinh tìm mọi cách để đạt chuẩn. Còn giờ mình chỉ giao 20%. Số này chắc chắn là xuất sắc. Đưa vào để tăng sự giám sát của phụ huynh, của học sinh. Chắc chắn chúng ta chỉ lấy sót chứ không thừa học sinh giỏi, khá”.
Tuy nhiên, hiệu phó Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) Cao Tố Nga cho rằng: “Giảm 20% số em được miễn thi nhưng thủ tục, quy trình tổ chức thi không giảm nhiều. Chỉ những học sinh thực sự xuất sắc, có quá trình rèn luyện phấn đấu nổi bật thì mới được miễn thi tốt nghiệp”.
Theo Văn Chung – Hạnh Ngân (VNN)