Cha tôi được thi hành án 121 triệu đồng và ông ấy đã gửi đơn yêu cầu thi hành án. Phía bên phải thi hành án không chịu thi hành nên cha tôi đã yêu cầu chấp hành viên kê biên tài sản của họ để trừ nợ nhưng chưa được giải quyết. Mới đây, cha tôi phát hiện người phải thi hành án là cháu họ của anh chấp hành viên. Vậy chấp hành viên này có vi phạm điều cấm của pháp luật?
Tuyet Lan Le (letuyetlan_thuhuongtran@yahoo.com)
Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 21 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) có hiệu lực pháp luật ngày 1-7-2015 quy định những việc chấp hành viên không được làm như sau:
1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.
2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.
5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:
a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;
c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.
8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
Do người phải thi hành án không phải là cháu ruột mà chỉ là cháu họ của chấp hành viên nên anh ấy không vi phạm quy định nêu trên.