Tản mạn mùa thi: bao giờ mới hết...so đo?

Hôm nay mấy đứa em thi tốt nghiệp THPT, cũng là kỳ thi đại học của chúng nó. Hai đứa trong nhóm các em do tôi và một vài anh bạn nhận “đỡ đầu” trong việc học nhắn cho tôi rằng “Anh ơi, em sẽ cố gắng hết sức, nhưng nếu em rớt đại học thì thôi vậy anh nhé”. Tôi nhận tin nhắn mà thấy vừa thương, vừa tội nghiệp. Các em không biết giải bày với ai về nỗi lo, một nỗi lo hoàn toàn có cơ sở rằng mình rớt đại học.

Không phải các em học kém, vì trong nhóm toàn là những bạn học sinh khá, giỏi trở lên nhưng các em đang chịu một áp lực thi cử cao hơn bao giờ hết so với áp lực suốt 12 năm các em đã chịu đựng. Là vì các em phải đối mặt với sự “chăm sóc” quá tận tình của những ánh mắt soi mói về kết quả thi, điểm số lẫn tên tuổi của trường đại học mà các em sẽ chọn.

Tập “sống ích kỷ một cách tử tế

Tôi may mắn được một vài anh chị đi trước giúp đỡ và có cơ hội đi sang một vài nước phát triển để trao đổi, học tập. Không phải là một người nghiên cứu về giáo dục, nên tôi chỉ ghi nhận tất cả những gì mình thấy bằng con mắt của một người đi học bình thường. Đơn cử như tại Đức, các học viên đi học chỉ nghĩ đến việc hôm nay sẽ học cái gì mới để chúng về nói chuyện với ba mẹ, bạn bè, thậm chí xem đó là một tài sản của bản thân mình.

Trong lớp học, thầy cô ít ra, thậm chí không có bài kiểm tra. Nếu có, thì đó là khi các em vào các lớp lớn, có ý thức rằng bài kiểm tra cũng chỉ là một sản phẩm mang tính thành quả của cá nhân em ấy, đánh giá một phần năng lực của các em. Thầy cô không được quyền tiết lộ, so sánh, hay thậm chí là nặng nhẹ các em về chuyện điểm thi.

Nói nôm na là lối sống “ích kỷ một cách tử tế”. Không soi mói chuyện cá nhân của người ta, càng không tự mang mình ra so sánh với bất cứ người nào. Quan trọng hơn là không ganh tỵ hay cố gắng tìm cách phủ nhận thành quả của người khác để làm người ta thông cảm hay quên đi cái yếu kém, cái hạn chế, cái chưa đạt của bản thân mình. Sống theo lối sống “ích kỷ một cách tử tế” này để thấy việc học được cái mới là tuyệt vời đến mức nào.

Trong một trường ngoại ngữ tôi đang theo học, những giáo viên luôn khuyến khích các học viên đặt câu hỏi. Họ thường đáp lại bằng câu cửa miệng “Đó là một câu hỏi hay đấy”; hoặc “Một câu hỏi rất đáng suy ngẫm”; hay đại loại một lời khen tương tự. Khi học viên đặt một câu hỏi rất ngây ngô, thay vì đánh giá “em không nghe giảng à?” thì họ từ tốn giải thích lại một đến hai lần nữa, thậm chí sau giờ học gọi học viên lại để nói thêm cho rõ. Việc giải đáp vừa nhẹ nhàng, vừa đi vào trọng tâm với những ví dụ dễ tiếp cận nhất, và không quên sự hài hước. Thế nên việc hỏi và đáp luôn là một hoạt động diễn ra sôi nổi, thú vị và vui nhộn.

Còn các bạn học cùng thì sao? Họ không quan tâm đến điểm thi của bạn mình. Họ đến trường đơn giản vì họ được thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và tìm ra một điều mới. Họ càng không cười nhạo hay chỉnh bạn bè mình theo kiểu “tao giỏi hơn mày” khi bạn mình làm bài tập sai, hay phát âm ngoại ngữ kém. Tôi là người châu Á, gặp vài vấn đề về “phát âm” mà thầy ngoại ngữ bảo “bình thường” bởi ông thấy tôi hay bối rối và sợ khi động phải những cụm từ ấy. Mỗi lần như vậy ông chỉ từng động tác một, điều chỉnh cơ miệng cho đến khi tôi phát âm đúng, và bạn bè tôi thì vỗ tay tán thưởng vì nỗ lực của tôi. Họ xem đó là một sự tiến bộ, tuy rất nhỏ nhưng rất đáng để ngợi khen.

Việc chọn trường tùy theo năng lực và sở thích, đầu vào đại học hay cao học mở rộng cửa cho rất nhiều học viên đăng ký. Tất nhiên có người đậu, có kẻ rớt. Nhưng quan trọng nhất là không ai bị áp lực một cách không cần thiết, hay gặp phải tình trạng “lệch một li, đi một dặm”.

Bao giờ mới hết...so đo?

Tôi nhớ ngày tôi còn học phổ thông điểm số luôn là thứ ám ảnh. Nó thảm hại khi điểm được đọc lên, có kẻ 10 còn có kẻ 0. Để rồi khi phát bài kiểm tra ra thì cả lớp mất 15 phút nhốn nháo, chạy đi so điểm, thậm chí cầm bài của bạn mình lên để kiện cáo “tại sao em cũng ra đáp án này nhưng không có điểm còn bạn em thì có?” Hay để rồi khi đứa đã từng được điểm 10 môn Toán nay bị Zero điểm Văn, điểm tiếng Anh, thậm chí điểm Giáo dục Công dân thì lại lấy lý do em “học lệch” để thi vào đại học. 

Nó thảm hại khi cứ về đến nhà thì phụ huynh hỏi “hôm nay con được mấy điểm?” thay vì “hôm nay con học vui không? Có gì mới không? Có gì tâm đắc không? Hay có gì chưa hài lòng hay không”. Thay vì động viên con cố lên, thi trượt ở trường không quan trọng bằng thi trượt đạo đức, nhân cách và chí cầu tiến; thì lại đổ lỗi vì con mà mẹ ba mất mặt, không dám nhìn bà con lối xóm dù rằng họ chẳng mang nặng đẻ đau, chẳng nuôi con khôn lớn, chẳng có chút tình thương gia đình nào, và càng không phải là người mà con tìm đến khi thất bại.

Con điểm, trong mắt những em học sinh được giáo dục tích cực, thì đó chỉ là một thành quả đánh giá một phần năng lực. Nhưng nó dễ lái những tâm hồn non trẻ, trong suốt 12 năm dài, trở thành những con người thích bao biện cho sai lầm của mình và giải thích thành quả của người khác theo hướng tiêu cực. Nó khiến nhiều em học trò “thấy bạn mình điểm thấp cũng buồn, nhưng nếu điểm nó cao hơn mình thì lại buồn hơn”. Nó sinh ra cái thói so đo, thậm chí là lấy điểm số làm “giá cả” để đánh giá con người thay vì xem xét “giá trị” thật sự của họ bằng cách đánh giá tổng thể năng lực, thái độ và nhân cách.

Tôi nhắn cho các em ở quê rằng, hãy cứ thi thôi, đừng quan tâm kết quả, đừng quan tâm đến người khác nghĩ gì, và đừng cố lý giải việc mình thi rớt bằng cách đổ lỗi cho một ai đó – xác định hay vô định. Cũng đừng tìm những lý do để “lý giải” con điểm của bạn mình theo hướng không tích cực. Hãy tập sống “tích kỷ một cách tử tế”, vì tương lai của các em do các em chịu trách nhiệm chứ không phải sự nhòm ngó gió thổi mây bay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm