Dù là giải đấu chất lượng có các đại diện của Nhật Bản, Uzbekistan và Triều Tiên tham dự cùng ba đội Đông Nam Á gồm chủ nhà Thái Lan, VN và Myanmar nhưng bóng không lăn ở thủ đô Bangkok mà đưa về tỉnh Buriram, cách Bangkok khoảng 300 km về phía Đông Bắc.
Nói người Thái coi trọng giải này thì không đúng, bởi cứ xem cái cách đón nhận của người hâm mộ Thái Lan trong ba trận đấu của đội nhà sẽ biết. Chính những nhà tổ chức cũng tính riêng cho mình khi giờ chót cố tình chuyển đội nhà sang bảng khó để được gặp U-23 Nhật và U-23 Triều Tiên, những đội sẽ là đối thủ thật của mình ở vòng chung kết U-23 châu Á vào tháng 1-2018 tại Trung Quốc. Và khi người Thái tính toán trong cái giải giao hữu thì người Nhật cũng tính. Giờ chót họ đưa đội U-20 sang đá với các đội U-23 để tránh việc phải lộ cả đội hình, lối chơi lẫn con người ở giải đấu giao hữu.
Thế nên không lạ khi lứa U-20 Nhật khoác áo U-23 không có dáng dấp gì hình ảnh “tăng lực”. Ngay cả với các cầu thủ chủ nhà cũng thế. Họ bóp mũi đàn em U-20 Nhật dễ dàng rồi thua U-23 Triều Tiên cũng dễ và thua luôn trong trận tranh HCĐ trước U-23 VN.
Trong khi báo Nhật rất xem thường giải “tăng lực” M-150 và đưa những dòng tin khiêm tốn thì truyền thông Thái Lan và VN cứ sôi lên như một giải đấu thật. Rõ nhất là khi U-23 Thái Lan thắng U-20 Nhật thì khen cầu thủ nhà ngút trời rồi đến trận thua trước Triều Tiên thì lên án không thương tiếc. Nó cũng giống với truyền thông VN, khen nức nở U-23 VN trận thắng Myanmar 4-0 rồi “lên án” ông Park Hang-seo trong trận thua U-23 Uzbekistan. Có thể sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan, đoạt HCĐ giải “tăng lực”, ông Park và Công Phượng lại được đưa lên mây lần nữa.
Xét cho cùng thì thành tích trong giải đấu “tăng lực” này không quan trọng bằng thầy Park đã nhìn ra được những tố chất của từng học trò và điểm danh được những mặt khuyết đặc biệt ở hàng thủ khi ông ép cầu thủ vào làm quen với sơ đồ 3-4-3.
Bảy bàn thắng từ những pha phối hợp và những dấu ấn cá nhân trong giải đấu giao hữu, tất nhiên với ông Park thì nó không thể xí xóa hay che đi những tử huyệt ở hàng thủ, nơi mà Myanmar không đủ lực để lộ ra, còn với Uzbekistan thì lộ ra quá nhiều từ hệ thống phòng ngự với khả năng bọc lót và sự tự tin của từng cá nhân. Còn trong trận thắng Thái Lan thì sai số rất cao nhưng thủ môn Bùi Tiến Dũng đã sửa sai cho đồng đội của mình rất nhiều.
Thắng Thái Lan thì vui thật nhưng điều quan trọng là từ phần đốt thử này, thầy Park và các học trò ông rút ra được những gì cho chính mình trước khi sang Trung Quốc bước vào sân chơi chính.
Sau chiếc HCĐ ở giải “tăng lực”, hy vọng thầy trò HLV Park Hang-seo không bị quá nhiều sự chi phối để tìm ra những giải pháp giúp lực tăng thực sự, chứ không bị ảo ảnh của trận thắng Thái tại Buriram.