Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến đổi khó lường

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cần đa dạng hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực tài chính nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến đổi khó lường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-11, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới”.

Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Diễn đàn tài chính Việt Nam 2022 diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Diễn đàn tài chính Việt Nam 2022 diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Phân bổ hiệu quả các nguồn lực

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay, mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tài chính đến năm 2030 là: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia”.

Đồng thời, chiến lược cũng thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính.

Theo ông Hưng, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Điều này góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong năm đầu thực hiện chiến lược này, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây sức ép lớn về y tế, kinh tế và trật tự xã hội. Đại dịch cũng làm nhu cầu chi NSNN nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cao.

Do đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TẤN VIỆT

Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TẤN VIỆT

Thời điểm nhìn lại các chính sách

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đồng tình với đề xuất của đại diện Ngân hàng thế giới (WB) rằng NSNN cần đa dạng hóa nguồn thu, ổn định tài chính.

“Huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho quốc gia. Bao nhiêu phần trăm vào y tế, giáo dục…và lấy nguồn lực từ đâu. Phải làm sao tăng sức chống chịu của nền kinh tế, và muốn làm được như vậy thì nguồn lực tài chính rất quan trọng”, ông Lực nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng kinh tế thế giới và Việt Nam đang ở giai đoạn “rất khác thường”, cần ứng biến với những rủi ro. Việc gì liên quan đến kinh tế thị trường thì phải dốc sức vận hành hoạt động bình thường trong cái khác thường, tư duy lúc này cũng phải khác thường.

Nhấn mạnh rằng đây là thời điểm để Chính phủ dễ dàng phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong chính sách, quy định pháp luật, ông Thiên nêu ví dụ về sửa đổi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

“Phải phân biệt rõ khái niệm PPP với xã hội hóa đầu tư nói chung. Khung pháp lý nó là gì, lợi ích của nhà nước và lợi nhuận của tư nhân ra sao, khi triển khai ra thì phức tạp vô cùng”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, bài học từ Hàn Quốc cho thấy phải đặt lợi ích của dự án là lợi ích tối đa cho phát triển. Chúng ta chú trọng hơn vào lợi ích quốc gia nhưng giờ có thể nhường thêm phần nhiều lợi ích cho tư nhân, bởi rủi ro dự án đa phần xuất phát từ tranh chấp lợi ích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm