Trong lịch sử phát triển của Sài Gòn-Chợ Lớn trước đây cũng như TP.HCM ngày nay, TP luôn là trung tâm giao lưu của khu vực và là cửa ngõ thông thương chính yếu.
Tăng hàm lượng giá trị gia tăng
. Từ Đại hội Đảng bộ lần VIII đến đại hội lần này, TP đều xác định một trong các chương trình trọng điểm, đột phá là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân nào dẫn đến sự hạn chế đó, thưa ông?
+ Có thể thấy rằng nếu xét trên chuỗi giá trị, vấn đề chính ở đây là làm sao chuyển dịch vào công đoạn có giá trị tăng cao nhất trong chuỗi giá trị của sản phẩm chứ không phải làm ra sản phẩm gì. Đó là điều kinh tế trên địa bàn TP chưa đạt được như mong muốn.
Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp phát triển kinh tế thành phố. Ảnh: HTD
Thứ nhất, muốn tác động chuyển dịch như hướng phát triển đề ra thì bắt buộc phải có những chính sách, công cụ tác động vào thị trường để định hướng đầu tư cho doanh nghiệp (DN) như chính sách thuế, chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, chính sách tín dụng, đất đai... Nhưng thực trạng cơ chế quản lý kinh tế của chúng ta có cái vướng là: Có những cái thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của trung ương, có cái thuộc địa phương nhưng chưa được phân định rạch ròi nên trong thực hiện có khi vướng mắc, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả.
Chúng ta cũng chưa thay đổi tư duy: Muốn phát triển sản phẩm gì, lĩnh vực gì thì phải tác động vào thị trường, rồi để thị trường tác động vào DN chứ không phải nhà nước chỉ cho DN làm cái A, cái B.
Trong nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập hiện nay, vấn đề không phải là chọn sản phẩm này hay kia để phát triển mà sử dụng phương thức sản xuất, hay cung cấp dịch vụ nào có chuỗi giá trị gia tăng cao nhất mới là quan trọng. Ví dụ TP không phải bỏ ngành may mặc vì nó vẫn là sản phẩm rất quan trọng. Nhưng trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm may mặc, TP không nên làm gia công mà đi vào công nghiệp thời trang, nghiên cứu mẫu mã và tham gia khâu cuối cùng là tiếp thị bán hàng và quản lý phân phối bán hàng. Hai khâu này có giá trị gia tăng rất cao. Vấn đề lớn ở đây là TP thay đổi sự tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm chứ không phải làm sản phẩm này hay sản phẩm kia.
Thứ hai, kinh tế TP là kinh tế đô thị nên chuyển dịch cơ cấu cần phải gắn liền với quy hoạch và phát triển đô thị. Nhưng hiện nay công tác quy hoạch và phát triển đô thị chưa gắn kết, tính đồng bộ còn hạn chế. Ví dụ chúng ta muốn phát triển cảng ở sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu nhưng hiện nay hệ thống giao thông chưa kết nối được.
Thứ ba, phải có nguồn nhân lực đáp ứng nó, vì muốn đi vào công nghệ cao phải có nguồn nhân lực cao.
Do đó hướng tới không phải thay đổi hướng phát triển mà nhà nước (trung ương, địa phương) phải thay đổi phương thức tác động như thế nào đó với các chính sách, các công cụ cụ thể. Song song đó phải đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng và có chương trình rõ nét về nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển, vì có nguồn nhân lực tốt mới giảm chi phí cạnh tranh cho các DN.
Lưu ý đến phí tổn cơ hội
. Theo ông, trọng điểm mà TP cần tập trung phát triển trong thời gian tới là gì?
+ TP tập trung hai trọng điểm: Một là chất lượng tăng trưởng kinh tế; hai là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Nếu tạo được sự chuyển biến thực sự hai nhiệm vụ trọng tâm này thì TP có điều kiện để tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tôi đề nghị trong năm năm tới TP phải tập trung vào việc tạo sự đồng bộ kết cấu hạ tầng. Vì nguồn vốn đầu tư cho việc này có hạn, do đó chúng ta phải tính toán tính đồng bộ. Trong vấn đề này, chúng ta phải tuân thủ trên hai nguyên tắc. Một là phí tổn cơ hội: Vì có số tiền này, không làm việc này thì phải làm việc kia và phải tính làm việc nào mang hiệu quả sớm nhất. Hai là tính đồng bộ, tức công trình này tạo điều kiện để phát huy hiệu quả công trình kia. Thực tế hiện nay ta làm còn dàn trải, dở dang nhiều. Tình trạng ấy sẽ để lại hậu quả rất lâu. Vì nguồn vốn bao giờ cũng hữu hạn chứ không thể chia đều.
. Còn hướng lâu dài mà TP cần đạt được, theo ông?
+ Đó chính là sự tăng trưởng bền vững. Trong 20 năm qua, kinh tế TP tăng trưởng bình quân hằng năm luôn trên hai con số. Đây là một trong số ít các đô thị có tốc độ tăng trưởng liên tục và cao như thế. Nhưng đó là sự tăng trưởng chưa thực sự bền vững vì chúng ta vẫn tăng trưởng theo chiều ngang, phát triển dựa vào vốn và lao động rẻ. Điều đó kéo theo hệ quả xã hội đô thị lớn. Chẳng hạn như kéo theo 200.000 lao động nhập cư vào TP hằng năm làm quá tải đô thị…
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội IX của TP đưa ra sáu chương trình đột phá chính là việc cụ thể phải làm trong năm năm tới. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế, đổi mới nội dung và phương thức quản lý kinh tế của nhà nước phù hợp với sự vận hành của thị trường. Nên có thể nói hoàn thiện thể chế kinh tế là khâu đột phá, tạo động lực để thực hiện các chương trình khác.
. Xin cảm ơn ông.
MINH CƯỜNG thực hiện
Cần quan tâm vai trò “nhạc trưởng” . Một số ý kiến cho rằng hiện TP đang bị các địa phương lân cận cạnh tranh nhiều mặt trong phát triển kinh tế, chẳng hạn sự cạnh tranh về hoạt động cảng biển từ Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… Ông nhìn nhận điều này như thế nào? + TS Trần Du Lịch: Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta không nên quan niệm cơ cấu kinh tế tỉnh, thành, mà phát triển trên cơ sở các vùng kinh tế. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm tám tỉnh, thành, trong đó TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Việc phân bố lực lượng sản xuất dựa theo thế mạnh của từng địa phương trên thực tế đang hình thành. Hệ thống cảng biển của vùng kinh tế này cũng đã được Chính phủ quy hoạch, trong đó vai trò của từng cụm cảng cũng đã được xác định nên không thể nói là sự phát triển của các địa phương khác sẽ làm mất vai trò của TP. Tuy nhiên, dường như sự phát triển của vùng đang mờ nhạt vai trò của “nhạc trưởng” chính là điều cần được quan tâm. |