“Có ba taxi giả, nhái, dán logo, hộp đèn của Mai Linh để đánh lừa, chèn ép khách. Đặc biệt, các hành khách bị lừa đều là người nước ngoài”. đó là phản ánh của Tập đoàn Mai Linh trong công văn gửi UBND TP.HCM, Ban Giám đốc Công an TP và Sở GTVT tháng 5-2011.
Liền đó, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi UBND TP cho rằng những sự việc trên sẽ làm xấu đi hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.
4 triệu đồng cho 10 km
Trước những phản ánh trên, cuối tháng 5, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan phải kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay xe taxi “dù”, giả, nhái. Mãi đến đầu tháng 8-2011, cơ quan chức năng mới lần ra gốc tích của ba chiếc taxi nhái xe Mai Linh trên.
Theo đó, tài xế xe 52V-0160 (đã ra khỏi hợp tác xã 27-7, quận 11) đã đưa khách đi từ chợ Bến Thành đến gần sân bay Tân Sơn Nhất (khoảng 10 km) với giá… 4 triệu đồng. Còn tài xế xe 52P-5671 (gốc của hợp tác xã 27-7, quận Tân Bình) chở khách từ Bến Thành đến Phạm Ngũ Lão, quận 1 (chưa tới 2 km) ép lấy 1,5 triệu đồng. Lần khác, cũng tài xế xe này ép khách từ Bến Thành đến đường Lữ Gia (hơn 10 km) phải trả 70 USD (tương đương 1,4 triệu đồng).
Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) đã đề nghị Sở GTVT loại hai xe trên ra khỏi danh sách taxi hoạt động trên địa bàn TP. Xe còn lại của hợp tác xã 27-7 cũng có hành vi tương tự nhưng không xử lý được vì thiếu biên bản vi phạm và lời đối chất của người bị hại.
Đại diện nhiều doanh nghiệp taxi cho rằng truy tìm taxi nhái rất tốn thời gian (mất hơn hai tháng rưỡi từ lúc có đơn tố giác), công sức thu thập chứng cứ nhưng sẽ không thể trị tận gốc nếu chỉ xử lý nhẹ hều như vậy. Bởi lẽ những xe trên dù bị loại khỏi danh sách quản lý của Sở GTVT vẫn có thể quay sang “sống” đời taxi giả (giả từ phù hiệu đến màu sơn, logo, số điện thoại… của các hãng có thương hiệu) để tiếp tục đánh lừa người dân.
Các lực lượng chức năng đang kiểm tra taxi hoạt động gần chợ Bến Thành. Ảnh: L.ĐỨC
Khó quản lý vì thật, giả lẫn lộn
Hiện nay đa số các hãng taxi có thương hiệu sử dụng phương thức thu dụng xe của cá nhân bằng hình thức hợp tác kinh doanh, thuê xe… Sau khi ký hợp đồng, xe của cá nhân được gắn hộp đèn, logo, số điện thoại của hãng. Khi hoạt động, các xe trên vẫn thuộc sở hữu cá nhân, phải đóng phí khai thác dịch vụ 150.000 đồng/ngày và 10% doanh thu mỗi ca.
Theo giới chạy xe taxi, phù hiệu do Sở GTVT cấp là “hồn” của chiếc xe. Còn “da” là màu sơn, logo, hộp đèn, số điện thoại… thì của bất cứ hãng nào cũng được. Thế nên mới có chuyện chủ xe về đầu quân cho hãng này để được Sở GTVT cấp phù hiệu, sau đó nhảy sang chạy cho hãng khác.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh, đang chạy xe tại Mai Linh, cho biết nhà xe rất khó sống với mức khoán phí và doanh thu của hãng. Vì vậy, họ thường chạy theo kiểu taxi ngoắc, tức chạy ngoài đường tìm khách nhưng báo về tổng đài là nghỉ ca hoặc đi tỉnh theo hợp đồng rồi tắt bộ đàm để không bị kiểm soát và khỏi phải đóng phí, doanh thu.
“Với các xe mua thương quyền có đủ phù hiệu, hộp đèn, logo… như thế, Thanh tra GTVT rất khó xử lý vì đây là dạng taxi thật mà giả. Do chạy theo kiểu taxi ngoắc nên mới có chuyện lái xe chở khách đi lòng vòng, lấy quá giá, không trả lại hành lý khách bỏ quên…” - ông Lã Hữu Long, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 1, cho biết.
Một cán bộ Sở GTVT nói thêm, với kiểu kinh doanh “hồn người ta, da hãng mình” như trên, một số hãng xe đã thoát khỏi sự kiểm soát đầu xe (theo danh sách đăng ký) từ trung tâm và Sở GTVT. “Chúng tôi không thể nắm được số xe taxi thực tế của TP là bao nhiêu do kiểu “mượn hồn” này. Vì thế xe taxi giả, thật - giả, nhái, ép khách cứ… loạn cả lên, không chỉ bây giờ mà sẽ còn dài dài” - vị cán bộ này nói.
Taxi giả khác taxi nhái Taxi giả là xe của cá nhân tự đem ra kinh doanh, trên xe không có bộ đàm, đồng hồ tính tiền; chủ xe tự gắn các loại hộp đèn, logo, số điện thoại của các hãng taxi có thương hiệu. Taxi nhái là xe của một số doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký kinh doanh, trước kính xe có phù hiệu do Sở GTVT cấp nhưng lại gắn hộp đèn, số điện thoại của các hãng taxi có thương hiệu mạnh. Cả hai dạng trên được lái bởi những người giả 100% từ đồng phục đến logo trên tay áo của hãng có thương hiệu. Tiếp tục kiểm tra taxi Từ cuối tháng 6-2011, đoàn kiểm tra liên ngành của TP tiếp tục có đợt kiểm tra, xử lý nạn taxi nhái, giả, tranh giành, lôi kéo, chèn ép khách… Các khu vực trọng điểm là chợ Bến Thành, bến tàu cánh ngầm đường Tôn Đức Thắng, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay, nạn taxi giả, nhái đã giảm ở các khu vực trên nhưng lại “phát tán” ở vùng ngoại vi. |
S dự kiến là chữ gắn riêng trên biển kiểm soát của các loại xe chuyên kinh doanh taxi nhằm giúp cơ quan quản lý và người dân phân biệt dễ dàng với các loại xe khác. Phương án này đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ vì muốn áp dụng sẽ phải sửa một số văn bản hiện hành. ________________________________________ Khi khoán trắng chất lượng dịch vụ cho các xe taxi thật mà giả, uy tín của doanh nghiệp bị mất đã đành mà việc quản lý của trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn. Ông VĂN CÔNG ĐIỂM, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng Mức xử phạt taxi giả, taxi nhái hiện nay chỉ 2-3 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Vậy nên cần bổ sung hình thức tạm giữ có thời hạn bằng lái hoặc xe. Ông LÃ HỮU LONG, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 1 |
LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG