Nhìn lứa U-19 của Nhật Bản thi đấu dễ bị phần sức mạnh tấn công “hớp hồn” phần thủ. Ngay cả các hậu vệ của họ cũng qua người và dẫn bóng như những tiền đạo và điều đó khiến cho nhiều cầu thủ U-19 Việt Nam gặp khó khi phải lùi về phòng ngự. Tuy nhiên, xét dưới góc độ chuyên môn thì thành công nhất của bóng đá Nhật Bản lại chính là hệ thống tổ chức phòng ngự và tổ chức cướp lại bóng ngay từ khi họ bị mất bóng. Điều này có nghĩa là các cầu thủ U-19 Nhật Bản không chờ đến khi bị tấn công mới tổ chức phòng ngự mà buộc phải tuân thủ việc tổ chức vây ráp để cướp lại bóng ngay từ khi tuyến trên mất bóng.
Đấy không chỉ là lối chơi của U-19 Nhật Bản mà ngay ở giải J-League 2 của Nhật, các cầu thủ đã buộc phải làm quen với điều đấy như một phản xạ. Hãy nghe chính tiền đạo Công Phượng tâm sự khi nói về J-League 2 - nơi cầu thủ này đang miệt mài ngồi ghế dự bị mà vẫn thấy hài lòng bởi học được rất nhiều từ môi trường chuyên nghiệp của bóng đá Nhật: “Ở Nhật Bản, các cầu thủ đều bắt buộc phải làm quen với việc tranh cướp bóng ngay từ phần sân đối phương, có nghĩa là việc giành lại bóng phải được thực hiện từ hàng tiền đạo chứ không phải là việc riêng của hàng phòng ngự. Đấy cũng là điều mà tôi buộc phải làm quen và phải thích nghi khi chơi ở J-League 2”.
Việc tổ chức phòng ngự ngay từ khi mất bóng đã giúp U-19 Nhật Bản chiếm đến trên 70% thời lượng cầm bóng. Ảnh: AFC
Qua nhận xét trên của Công Phượng đã giúp nhiều nhà chuyên môn vỡ ra về cách xây dựng lối đá và cách ứng xử của các cầu thủ Nhật Bản trên sân. Nói như trong bóng đá hiện đại là tấn công có kiểm soát và ở Nhật thì các cầu thủ buộc phải làm quen với việc phòng thủ ngay từ khi mất bóng hoặc đồng đội mình chuyền hỏng.
Nhiều người tỏ ý chê trách các cầu thủ U-19 Việt Nam trong trận thua Nhật Bản 0-3 đã không có pha tấn công nào ra hồn và đã đánh mất đi rất nhiều sức mạnh lẫn sự tự tin của mình như bốn trận trước đó. Thực chất thì chính các cầu thủ Nhật Bản đã bóp hẹp cả không gian lẫn thời gian và không cho các cầu thủ U-19 Việt Nam chơi phản công.
Việc không cho đấy được thực hiện ngay từ nhịp một khi họ mất bóng. Có nghĩa là khi mất quyền kiểm soát bóng thì lập tức họ tổ chức vây ráp con mồi để đòi lại bằng được quyền kiểm soát bóng.
Hiếm thấy có cầu thủ U-19 Việt Nam nào có được ba chạm khi có bóng và tổ chức phản công nhanh về phía cầu môn Nhật, bởi họ áp sát rất nhanh và ngay từ các tiền đạo Nhật khi thấy mất bóng đã tổ chức vây ráp.
Nếu ở V-League chúng ta quen với khái niệm 1-2 tiền vệ đánh chặn quét bớt phần việc cho cặp trung vệ thì U-19 Nhật lại cho thấy chính các tiền đạo đã phải “học quét”, học rượt đuổi, học dí con mồi ngay khi họ mất bóng. Đó là lý do vì sao trận thua U-19 Nhật 0-3, nhìn cặp trung vệ Nhật thi đấu thấy họ rất nhàn bởi “bộ lọc” đã được thực hiện từ tuyến trên xuống đến tuyến giữa và khi cặp trung vệ đối mặt thì xác suất nguy hiểm đã giảm xuống mức thấp nhất.
Các chuyên gia đánh giá cao từ bài học phòng ngự của U-19 Nhật Bản được thực thi ngay từ phần sân đối phương và trách nhiệm vây ráp để đòi lại bóng không là phần việc của riêng ai cả.
Tất nhiên, để thực hiện được việc rà soát tầm suất gây nguy hiểm có thể thực hiện ngay từ các tiền đạo không phải là vấn đề một sớm một chiều ở một đội tuyển như U-19. Đó là cả một hệ thống chiến lược và phát triển mà một ý kiến nhỏ của Công Phượng đã giúp có cái nhìn tiệm cận hơn về cách xây dựng lối chơi của người Nhật.