23 giờ 15 phút ngày 27-10, đội tuyển U-19 Việt Nam sẽ gặp U-19 Nhật Bản ở bán kết giải U-19 châu Á (Fox Sport 2 trực tiếp). Đây là đối thủ quá lớn với thầy trò Hoàng Anh Tuấn, dẫu họ chưa một lần lên ngôi ở giải này, sau sáu lần chỉ về nhì.
Theo tin từ đội tuyển ở Bahrain, trong cuộc họp trước trận đấu, HLV Hoàng Anh Tuấn hỏi: “Chúng ta có thể đánh bại U-19 Nhật Bản không?”. Rất nhiều cánh tay của các học trò ông giơ lên. Ông Tuấn lên giây cót tinh thần: “Bóng chưa lăn thì chưa thể nói trước điều gì cả. Điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng bất kể đối thủ lớn cỡ nào, chúng ta cũng phải tập trung tinh thần và nỗ lực hết sức mình để chiến đấu tới cùng”.
Ông thầy trẻ người Khánh Hòa nhắc đi nhắc lại các cầu thủ U-19 Việt Nam cần loại bỏ những rào cản về tâm lý và xem như cuộc đối đầu với U-19 Nhật Bản mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình. Ông Tuấn mong muốn học trò phải thể hiện một khao khát chiến thắng mãnh liệt và tuân thủ đúng ý đồ chiến thuật, mọi chuyện khác đã có ban huấn luyện lo giải quyết.
Các cầu thủ U-19 Việt Nam đang hưng phấn sau chuỗi bốn trận không thua và đã có suất dự World Cup U-20 năm 2017. Ảnh: VFF
Rõ ràng yếu tố tinh thần của cầu thủ đã được các thầy ở đội U-19 Việt Nam rất chú trọng như một chìa khóa mở cánh cửa cuối cùng. Từ việc bị đánh giá yếu nhất trong số 16 đội dự vòng chung kết châu Á như thân phận lót đường, thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã viết nên câu chuyện cổ tích về một trong bốn đội mạnh nhất giải.
Tuy nhiên, đã đến vòng đấu knock out thì ngay cả đội mạnh như U-19 Nhật Bản cũng phải dè chừng và ái ngại U-19 Việt Nam. Duy có điều niềm kiêu hãnh của nền bóng đá mạnh nhất châu lục với một hệ thống đào tạo trẻ bài bản của Nhật sẽ giúp họ chiếm nhiều ưu thế hơn.
Trong bốn cuộc đụng độ giữa hai đội, U-19 Nhật Bản đều giành chiến thắng đậm và chính các nhà làm bóng đá trẻ Việt Nam luôn xem đấy là một cơ hội học hỏi chứ không phải thời điểm lật đổ. Gần nhất là lứa U-19 Việt Nam hai năm trước đá vòng loại châu Á thua các đồng nghiệp Nhật 1-3. Hồi đó lứa cầu thủ của Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG chuyên chở niềm tin rất lớn sẽ đánh bại U-19 Nhật nhưng khi so giày rồi mới biết đẳng cấp của mình còn một khoảng cách quá xa.
Lần tái đấu này, nếu như cầu thủ U-19 Nhật Bản hầu hết đang chơi ở giải chuyên nghiệp (21/24 đá J-League 1) thì tuyển thủ U-19 Việt Nam chủ yếu chơi giải hạng nhì ở quê nhà (có ba cầu thủ đá V-League). Đấy là một độ vênh trình độ rất lớn khi biết thêm rằng các tuyển thủ quốc gia như Tuấn Anh, Công Phượng 21 tuổi vẫn chuyên ngồi dự bị ở J-League 2.
Sau bốn trận đấu, U-19 Nhật Bản đã ghi 10 bàn và chưa để lọt lưới, còn tuyển U-19 Việt Nam ghi bốn bàn, thủng lưới hai lần. Bại tướng của U-19 Nhật Bản tại tứ kết là U-19 Tajikistan bị thua đến bốn bàn cũng vừa đá giao hữu trước giải hòa 0-0 với U-19 Việt Nam tại Qatar.
Vì thế, cơ hội cho U-19 Việt Nam giành chiến thắng trước đối thủ quá lớn là rất nhỏ.
U-19 Việt Nam có một ngôi sao HLV Hoàng Anh Tuấn nói rất rõ với học trò rằng đội tuyển chỉ có một ngôi sao duy nhất nằm trên ngực áo trái, ở giữa lá cờ Việt Nam. Ông còn nghiêm khắc nhắc nhở các cầu thủ trẻ trước trận gặp núi lớn U-19 Nhật Bản phải thật nỗ lực, bởi lúc này mới là thuốc thử khó nhất để tái khẳng định U-19 Việt Nam xứng đáng vào tốp 4 đội mạnh nhất. Việc chắc chắn đoạt vé dự FIFA U-20 World Cup vào năm 2017 là một động lực lớn cho thầy trò Hoàng Anh Tuấn biết đâu sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện thần tiên. |