Xin nêu lại một chút sử liệu về nhân vật lịch sử này. Như có sự xếp đặt tình cờ của lịch sử mà tên hai ông khi viết bằng quốc ngữ lại thể hiện đúng ý nghĩa: Cụ Phan dù là đại quan giữ nhiều trọng trách của triều đình nhưng sống rất thanh bần và giản dị; và cụ Trương, một đại công thần triều Nguyễn văn võ song toàn, nhưng cả hai lúc cuối đời đều chết trong uất ức. Chuyện cụ Phan bị Pháp lừa chiếm Nam Kỳ lục tỉnh đã uống thuốc độc tự vẫn thì ai cũng biết. Riêng cụ Trương Minh Giảng vừa là võ tướng vừa là sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, đã cùng Thượng thư Bộ lễ Phan Huy Thực soạn bộLiệt thánh thực lục. Ông chủ biên bộ Đại Nam thực lục chính biên, được vua Minh Mạng phong hàm Đông các Đại học sĩ kiêm chức Bảo hộ Cao Miên. Năm 1835, nhân vua Chân Lạp chết không có con, ông đề xuất vua Minh Mạng đổi tên kinh đô Nam Vang thành Trấn Tây thành và sáp nhập Cao Miên vào Đại Nam. Trương Minh Giảng làm Trấn Tây tướng quân kiêm Tổng đốc An Giang - Hà Tiên. Đến năm 1841, sau khi vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi đã lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân về An Giang, phục hồi Vương quốc Cao Miên, không cho ông trần tình “minh giảng” gì hết. Ông uất ức sinh bệnh mà chết, vua Thiệu Trị đã không thương xót còn cho thu hồi tất cả chức quan và bổng lộc triều đình của Trương Minh Giảng. Hiện nay hai ngôi mộ của ông và cha ông là Thành Tín hầu - Thượng thư Bộ lễ Trương Minh Thành nằm kế nhau là một phế tích hoang tàn ở con hẻm 82/5 đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Gò Vấp.
Trở lại bài viết chuyện đặt tên đường ở TP.HCM, tôi xin nêu thêm vài ý là, đã không đặt thì thôi, mà đặt thì phải cho tương xứng với công trạng, tầm cỡ của nhân vật lịch sử, văn hóa ấy. Như trường hợp chúa Nguyễn Hoàng, sau mấy chục năm bị xóa tên, bỗng nhiên cách nay vài năm thấy tên ông được đặt cho một con đường nhỏ mấy trăm mét ở khu dân cư An Phú - An Khánh, quận 2. Thấy vậy đã khó coi rồi, nhưng khi tình cờ đi ngang Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội tôi thấy một con đường nhỏ mang tên Nguyễn Hoàng còn tội nghiệp hơn. Nó là một nhánh của đường Phạm Hùng ngang qua Bến xe Mỹ Đình dài chừng vài ba trăm mét...
Trong khi đó, ở quận 11, TP.HCM lại có tới hai con đường mang tên Nguyễn Thị Nhỏ khá dài và khang trang. Mặc dù bà đã hy sinh oanh liệt trong kháng chiến chống Pháp nhưng sao lại đặt tên cho cả hai đường ở trong cùng một quận suốt hơn 40 năm qua mà không chỉnh lại cho hợp lý? Rồi liệt sĩ Võ Thị Sáu đúng là đã hy sinh bất khuất trong tù thực dân, đáng ngưỡng mộ thật, liệu có thật ổn không khi tên cô Sáu được đặt cho một đại lộ chạy xuyên thành phố, thay tên một vị chúa công trạng sáng ngời là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần? Khi còn là thái tử, Nguyễn Phúc Tần đã thống lĩnh thủy quân đánh tan đội tàu chiến của Hà Lan (bấy giờ gọi là giặc Ô Lan) do tướng Baek chỉ huy, đốt cháy hạm đội làm Baek chết cháy theo (theoĐại Nam thực lục).Khi lên ngôi chúa ông chăm lo chính sự, Nam tiến đưa biên giới Đàng trong tới Phan Rang. Chính ông đã thu nạp hai tướng nhà Minh “phản Thanh phục Minh” thất bại chạy sang nước ta cầu cứu. Hiền Vương đã phong tước và cử hai tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch vào trấn thủ và khai hoang vùng Đông Phố (tức Gia Định), Lộc Dã (Đồng Nai) và Mỹ Tho trở thành các vùng đất mới trù phú của nước Việt.
Nhắc lại một vài sự kiện lịch sử, mong sao những người có trách nhiệm việc đặt tên đường nên cẩn trọng hơn, đặt cho tương xứng. Và nhất là cũng nên chỉnh lại tên một số tên đường sau hơn 40 năm thống nhất đã có thời gian xét lại. Nhân đây tôi cũng xin có đề nghị: Ba tên đường dọc bờ sông Sài Gòn trước kia là Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương và Bến Hàm Tử nay không còn nữa thật đáng tiếc. Đường Bến Bạch Đằng đã đổi thành Tôn Đức Thắng từ sau khi cụ Tôn mất (có lẽ do trước kia cụ Tôn đã làm công nhân ở hãng Ba Son trên con đường này). Còn tên hai đường Bến Chương Dương và Bến Hàm Tử bị mất sau khi khánh thành đại lộ Đông Tây đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt. Cố Thủ tướng Kiệt xứng đáng được đặt tên đại lộ này. Xin mạo muội đề nghị: Hiện nay bờ đông sông Sài Gòn đang triển khai xây dựng mấy con đường lớn, nên chăng thay vì đặt tên đại lộ Vòng Cung như dự kiến, hãy phục hồi các tên đường Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử để nhớ đến những chiến công hiển hách của Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Đằng, cũng như ba lần chiến thắng quân Nguyên trên các sông Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử. “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù” (thơ Trần Quang Khải).