Ông Kim Jong-un:

Tên lửa Triều Tiên có thể tiêu diệt mục tiêu Mỹ ở Thái Bình Dương

Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích sau khi Triều Tiên xem chuyến bay 400 km của tên lửa tầm trung Musudan là một thành công sau năm lần thất bại liên tiếp.

Kim Jong-un đã trực tiếp theo dõi vụ thử tên lửa ngày 22-6, cho rằng đây là một "sự kiện lớn" cải thiện đáng kể khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu của Triều Tiên, theo hãng tin KCNA. "Chúng tôi chắc chắn có thể tấn công trên diện rộng các mục tiêu Mỹ ở chiến trường Thái Bình Dương" - KCNA dẫn lời ông Kim.

Năm cuộc thử nghiệm tên lửa Musudan trước đó đều thất bại. Nhưng vụ thử lần thứ hai vào ngày 22-6 cho thấy tên lửa này đã bay được chặng đường 400 km - bằng một nửa khoảng cách đến đảo chính Honshu của Nhật Bản trước khi rớt xuống vùng biển Nhật Bản.

Tokyo bày tỏ lo ngại về việc tên lửa Musudan đã bay được khoảng cách xa như vậy. "Mối đe dọa đối với Nhật Bản ngày càng tăng cao" - Gen Nakatani, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp mặt để trao đổi về vấn đề này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết vụ thử nghiệm này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Mỹ và các nước đồng minh nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực.

"Tôi không biết liệu vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thành công và Triều Tiên có âm mưu gì đối với vụ thử nghiệm này" - ông Carter trả lời các phóng viên ở Kentucky. "Nhưng dù với âm mưu gì và vụ thử nghiệm có thành công hay không, vẫn dấy lên yêu cầu cấp thiết để chúng tôi tiếp tục làm những việc đang làm, đó là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa với nhiều phạm vi khác nhau để bảo vệ cả  Hàn Quốc, lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và lãnh thổ Mỹ".

Các quan chức Mỹ cho biết trong tháng này kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) vẫn đang tiến triển, có thể sẽ thông báo hoàn thành sớm bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Tin tức vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được phát trên truyền hình Seoul. Ảnh: THE GUARDIAN

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động ngang ngược và vô trách nhiệm", thách thức lệnh cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên "tiếp tục sử dụng... các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo sẽ chỉ làm suy yếu an ninh của nước này và không thể cải thiện cuộc sống người dân" - phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon - Farhan Haq cho biết.

Với tầm bắn trên mặt lý thuyết là 2.500-4,000 km, tên lửa Musudan có thể đạt vươn tới các mục tiêu bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam. Ngày 22-6, tên lửa đầu tiên được phóng đã bay được khoảng 90 dặm theo thông tin từ Hàn Quốc. Nhưng Triều Tiên công bố vụ phóng tên lửa thứ hai đã thành công - một số chuyên gia đã khẳng định tên lửa đã đạt tới độ cao khoảng 1.000 km.

"Chúng ta phải xem đây là một thành công" - Lee Choon-geun, một nhà phân tích tại Viện Khoa học và Công nghệ tại Hàn Quốc, nói về vụ phóng tên lửa thứ hai. "Các tên lửa bắn trước đây của Triều Tiên chưa từng đạt được độ cao như thế".

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như đã phóng tên lửa thứ hai với quỹ đạo cao bất thường để tránh xâm phạm không phận Nhật Bản. Vào tháng 4- 2016, Triều Tiên đã thất bại ba lần liên tiếp khi phóng tên lửa Musudan. Tất cả đều phát nổ ở giữa chừng không trung hoặc bị rơi, theo các quan chức quốc phòng Hàn Quốc. Trong tháng 5, Triều cũng tiếp tục một lần thất bại, các quan chức Hàn Quốc cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên :"Chúng tôi cho rằng đây là hành động hoàn toàn không thể tha thứ". Nhật Bản sẽ "hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để đối phó với tình hình này" - ông nói.

Tổng thống Hàn Quốc - bà Park Geun-hye cho biết vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân lặp đi lặp lại là một con đường nguy hiểm cho Triều Tiên. "Triều Tiên nên nhận ra nước mình sẽ hoàn toàn bị cô lập và sẽ đi trên con đường tự hủy diệt nếu cứ tiếp tục các hành động khiêu khích liều lĩnh" - bà Park nói.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.  Đại sứ Mỹ Samantha Power kêu gọi "khẩn cấp và đoàn kết lên án" Triều Tiên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: "Những hành động khiêu khích sẽ chỉ khiến Triều Tiên càng nhận thêm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế". "Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản".

Lewis, chuyên gia tên lửa, cảnh báo rằng Triều Tiên cuối cùng sẽ giải quyết được các vấn đề kỹ thuật với tên lửa Musudan và sẽ gia tăng mối đe dọa đối với Mỹ. "Nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm, cuối cùng có thể sẽ đe dọa Mỹ" - ông nói.

Những vụ phóng tên lửa cho thấy rõ quyết tâm của Kim Jong-un thách thức các lệnh cấm Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên được cho là có đến 30 tên lửa Musudan, các quan chức cho biết tên lửa đầu tiên được triển khai vào năm 2007 nhưng đến tháng 4-2016 thì Triều Tiên mới bắt đầu phóng thử nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới